A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quảng Nam cần làm gì để trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030?

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Mục tiêu đến 2030, Quảng Nam phấn đấu thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Năng suất lao động tăng bình quân 6,5 - 7%/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP bình quân hằng năm trên 30%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%. Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 10%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hằng năm trên 15%. Thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch. Thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số chuyển đổi số…

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường tốt. Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã vạch ra phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong đó, đối với ngành công nghiệp, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.

Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao

Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn. Đổi mới công nghệ, phát triển hợp lý, bền vững các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến silica, may mặc, thời trang, đồ uống, hàng tiêu dùng, công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm gỗ. Đầu tư các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để phát triển các ngành công nghiệp gắn với giải quyết lao động, nguyên liệu tại chỗ; hạn chế tiếp nhận các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm.

Về phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, Quy hoạch định hướng đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hoá - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, đối với giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Quảng Nam sẽ dựa trên 04 trụ cột chính là: Du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tiết giảm các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bằng ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số. Phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, tái đào tạo, chuyển đổi nghề, thu hút nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giao lưu quốc tế, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển và chuyển giao công nghệ. Cải thiện năng suất lao động theo hướng thúc đẩy chuyển dịch lao động từ ngành năng suất thấp sang ngành năng suất cao kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

Đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có lợi thế như: Du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng, sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đẩy mạnh liên kết phát triển các dịch vụ thương mại, logitics phát triển chuỗi sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết