Phát huy vai trò và sứ mệnh vẻ vang của ngành Tuyên giáo
Từ khi được thành lập cho tới nay, ngành Tuyên giáo của Đảng nói chung, Tuyên giáo Thủ đô nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng đất nước; bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng; thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân. Nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2024), phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội - về những nội dung xoay quanh câu chuyện “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”.
Mốc son lớn trong lịch sử
- PV: Thưa đồng chí, ngày 1/8 hằng năm không chỉ có ý nghĩa đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo, mà còn mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của mốc lịch sử này?
- Đồng chí Phạm Thanh Học: Ngày 3/2/1930, đánh dấu sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng, với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.
Tài liệu này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Kể từ ngày 1/8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của Nhân dân ta. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học |
Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
Như vậy, ngày 1/8/1930 được coi là ngày thành lập, hoặc Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng; nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, đó là khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam.
Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Trải qua lịch sử 94 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Đồng hành cùng Thủ đô phát triển
- PV: Với Thủ đô Hà Nội, công tác tuyên giáo của Đảng đã được phát huy như thế nào suốt thời gian qua, thưa đồng chí?
- Đồng chí Phạm Thanh Học: Đối với ngành Tuyên giáo Thủ đô, ngoài ngày truyền thống chung của ngành còn một dấu mốc lịch sử đáng nhớ khác, đó là ngày thành lập 3/3/1949; tính đến nay là tròn 75 năm.
Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội và huyện Ứng Hoà chủ trì hội nghị giao ban công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2024 tại huyện Ứng Hoà |
75 năm qua, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã không ngừng xây dựng và trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào thành quả vẻ vang của sự nghiệp cách mạng của Thủ đô và đất nước. Trong đó, ngành đã thực hiện tốt vai trò là lực lượng tiên phong, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố trong từng thời kỳ. Đồng thời làm tốt công tác nắm bắt, thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tạo điều kiện phát triển Thủ đô bền vững.
Đặc biệt, ngày 1/8/2008, Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Sự kiện kiến tạo chưa từng có đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tư tưởng của đội ngũ cán bộ nhưng với sự tham gia chủ động của ngành Tuyên giáo, đến nay sau hơn 15 năm, bộ máy hệ thống chính trị Thủ đô sau hợp nhất đã khắc phục được những bất cập, thậm chí còn gương mẫu đi đầu trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại tổ chức bộ máy bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Hay như gần đây là vấn đề thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai dự án; nhất là với người dân có đất bị thu hồi, GPMB để tham mưu, đề xuất phương án giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình triển khai dự án. Nhờ đó, tư tưởng Nhân dân ổn định, không có tình huống phức tạp gây nóng dư luận xã hội.
Hệ thống Tuyên giáo Thủ đô cũng tích cực đổi mới phương thức, tăng cường chuyển đổi số trong tham mưu, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của cấp ủy các cấp…
Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo thành phố 6 tháng đầu năm 2024 |
Ngành Tuyên giáo Thủ đô có nhiều đổi mới trong tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu xây dựng Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với quyết tâm tạo ra bước đột phá cho lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng rất khó khăn này…
Để thông tin báo chí tạo nên “sức đề kháng” cho mỗi người…
- PV: Nửa cuối năm 2024, Hà Nội bước vào giai đoạn tăng tốc, bức phá để hoàn thành các chỉ tiêu năm, chỉ tiêu nhiệm kỳ; đồng thời, lượng công việc mới đặt ra sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng rất nặng nề. Là người đã gắn bó lâu năm với ngành Tuyên giáo, trải qua nhiều giai đoạn Hà Nội chuyển mình, đối mặt với thách thức lớn, theo đồng chí, những nhiệm vụ cần thực hiện thời gian tới là gì?
- Đồng chí Phạm Thanh Học: Nửa cuối năm 2024, thành phố Hà Nội triển khai nhiều nhiệm vụ lớn, trong đó có triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô và quy hoạch thành phố theo quy định. Trước hết phải khẳng định, công tác tuyên giáo rất quan trọng để các tầng lớp Nhân dân Thủ đô hiểu và đồng thuận triển khai thực hiện, đưa các nội dung trên đi vào cuộc sống.
Ngày 1/8/2018, tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những yêu cầu đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo. Đó là “có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn và phải có phương thức hoạt động khoa học, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan khác. Cán bộ tuyên giáo phải nói được, làm được, không bị cám dỗ, không bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch, kẻ xấu…” Để làm được điều căn dặn của cố Tổng Bí thư cùng với việc đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, để công tác tuyên giáo ngày càng giữ vững vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tôi cần chú trọng công tác định hướng về tư tưởng, nhận thức thường xuyên, kiên trì và chú trọng đến thế hệ trẻ.
Lãnh đạo Báo Tuổi trẻ Thủ đô chúc mừng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng |
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và điều kiện kinh tế - xã hội đã có những phát triển mạnh mẽ, người dân, nhất là thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận khối lượng lớn thông tin mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội, thông qua các thiết bị công nghệ hiện đại. Trong số đó, phần nhiều là những thông tin thiếu chính xác, thông tin xấu độc có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của người xem được vô tình hoặc cố ý tạo ra và lan truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”,… Do đó, ngành Tuyên giáo cần tăng cường phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên; chú trọng xây dựng các chiến lược, nội dung công tác giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục chính trị, định hướng giá trị cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường.
Ngoài ra, nội dung tuyên truyền, định hướng, nhất là trên hệ thống báo chí, không dừng lại ở các hoạt động, sự việc, sự kiện mà có tầm nhìn lâu dài, gắn với chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2030) và 100 năm thành lập nước (2/9/1945 - 2/9/2045); gắn với xu hướng chính trị của thế giới trong tình hình mới là củng cố nội lực, xây dựng tiềm lực, tập hợp và phát triển nguồn lực, lực lượng từ bên trong lẫn bên ngoài.
Việc khảo sát, nắm tình hình cần được tiến hành thường xuyên và đột xuất đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, riêng biệt. Việc thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình là góp phần giữ vững tính chủ động trên mặt trận tư tưởng, không để rơi vào tình thế bị động, bất ngờ, chạy theo sự vụ sự việc để xử lý khủng hoảng thông tin. Để làm tốt yêu cầu này, cần phát huy đồng bộ vai trò của các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, của mỗi cán bộ, đảng viên và tạo các kênh thông tin, diễn đàn để lắng nghe từ người dân.
Ngành Tuyên giáo cần chủ động tổ chức đấu tranh, phản bác thông tin thiếu khách quan, quan điểm sai trái, thù địch. Để làm tốt điều này, việc đầu tiên cần chú trọng đầu tư, xây dựng đội ngũ báo chí lớn mạnh, cả về con người và trang thiết bị khoa học công nghệ, đủ sức để cạnh tranh với hệ thống truyền thông mạng xã hội đang ngày càng bùng nổ như hiện nay. Làm sao để báo chí luôn phát huy vai trò là đội quân xung kích của công tác tư tưởng, là nguồn thông tin chủ lưu, chính thống, kịp thời, đáng tin cậy; để khi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần thông tin chính thống, khi gặp phải những băn khoăn, thắc mắc là ngay lập tức tìm đến các nguồn tin báo chí, để thông tin báo chí trở thành “sức đề kháng” cho mỗi người.
-PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!