Nhận diện điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội". Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.
Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những việc làm được, chưa làm được, các khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường
"Dẫn dắt, mở đường" nằm trong những "từ khóa" được các đại biểu nhắc đến nhiều tại Hội nghị khi đề cập đến vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Để doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư phát triển có ý nghĩa sống còn; doanh nghiệp có đầu tư thì mới có phát triển.
Do đó, đa số ý kiến đề nghị, DNNN cần được phân cấp, trao quyền chủ động cao hơn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; từ đó mới có thể linh hoạt, chớp thời cơ, phản ứng nhanh với thị trường.
DNNN chỉ có thể phát triển và thể hiện được vai trò, vị trí của mình khi được giao những nhiệm vụ lớn, quan trọng, tiên phong mở đường. Ví dụ như Tập đoàn Dầu khí tiên phong xây dựng các công trình dầu khí ở ngoài khơi; Tập đoàn Điện lực tiên phong xây dựng các công trình thủy điện lớn, Viettel tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng…
Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, các DNNN rất đa dạng về quy mô, tính chất và lĩnh vực hoạt động, do đó các cơ chế đặc thù cũng cần phải thiết kế cho từng nhóm doanh nghiệp.
Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động của rất nhiều yếu tố và luôn có rủi ro nhất định, không thể "trăm trận trăm thắng". Do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ quy định việc đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án.
Các bộ, ngành, địa phương cũng khẳng định, DNNN có sứ mệnh hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong hoàn cảnh khó khăn, gian nan, bão lũ, hay khi có biến động trên thị trường, sẽ thấy rõ hơn vai trò quan trọng của DNNN, trong đó có vai trò dẫn dắt, điều tiết, chia sẻ. Ông lấy ví dụ, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đã tăng cường hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.
Các ý kiến tại Hội nghị khẳng định, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…).
"Khu vực DNNN luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, từng kỳ Đại hội Đảng. Tôi hy vọng, sau hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách quan trọng, căn cơ để "cởi trói", tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để DNNN có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Phải góp phần đắc lực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Đánh giá các ý kiến phát biểu rất cởi mở, tâm huyết, thẳng thắn, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của Hội nghị thể hiện rõ trong chủ đề Hội nghị, được các đại biểu thống nhất cao. Vấn đề là làm thế nào đưa chủ đề đó thành thực tiễn, tạo ra sản phẩm cụ thể, là văn bản chỉ đạo điều hành, để đất nước, nhân dân được hưởng lợi và "chúng ta tự hào đã làm được việc tốt cho đất nước khi cần".
Sứ mệnh của DNNN đã được Đảng xác định rõ trong các nghị quyết Trung ương. Thủ tướng cho rằng, "trăn trở của chúng ta là làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện được sứ mệnh này".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước phải tạo môi trường, tạo không gian, hệ sinh thái doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với hoàn cảnh đất nước.
Hệ sinh thái đó phải sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự vật luôn chuyển động, có thể hôm nay việc này chúng ta làm là đúng, nhưng ngày mai việc đó có khi không đúng hoặc ngày hôm nay không đúng nhưng ngày mai lại đúng. Do đó, tư duy phải rất uyển chuyển, linh hoạt. Nhà nước phải tạo hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp từ việc đổi mới tư duy giữa quản lý chặt chẽ với phát triển hài hòa, hợp lý, thông qua cơ chế, chính sách, sự quan tâm, chia sẻ, trân trọng, cương quyết và nhất quán.
Về phần mình, doanh nghiệp phải tham gia tích cực vào phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng, quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp có sự tách bạch, nhưng cũng có mặt hòa quyện. Tách bạch là Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước còn doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hòa quyện là Nhà nước tạo không gian, hệ sinh thái phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp. Và doanh nghiệp tích cực, chủ động cùng Nhà nước nhân rộng, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn, đóng góp tốt hơn.Theo Thủ tướng, trong hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước. DNNN còn thực hiện sứ mệnh của mình, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, thực hiện những việc mà doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI không làm được, nhất là ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn những trăn trở như DNNN phát triển chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ; chưa lớn mạnh như mong muốn, yêu cầu đặt ra; chưa làm được một số việc trong khả năng của mình. Trong 5 năm qua, chưa có công trình lớn do DNNN đầu tư. Một trăn trở nữa là chưa vận dụng tốt thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chưa đạt nhiều kết quả trong đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng nhìn nhận, thể chế và cơ chế chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ. Nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN chưa cao, chưa toàn diện, đồng bộ, liên tục. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, môi trường pháp lý, hệ sinh thái vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, "còn bất cập, cần giải quyết".
Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước chia sẻ với các khó khăn của DNNN, nhất là các khó khăn khách quan như dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực…, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn những đóng góp của DNNN để đất nước vượt qua khó khăn.
Trong thời gian tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. "Chúng ta phải cùng nhau chia sẻ, đoàn kết, thống nhất để vượt qua", Thủ tướng nói.
Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, DNNN phải góp phần đắc lực, hiệu quả vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
"Nền kinh tế độc lập không có nghĩa là cô lập mình, tự cung tự cấp mà chúng ta dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá", Thủ tướng nói rõ thêm. Độc lập, tự chủ là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Lấy ví dụ trong lĩnh vực điều hành tỉ giá, lãi suất, Thủ tướng cho biết, "phải cân đối giữa lợi ích ngân hàng và lợi ích quốc gia, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa lợi ích của nhân dân và lợi ích của doanh nghiệp. Các đồng chí phải góp phần vào việc cân đối, điều tiết này để phục vụ cho sự độc lập tự chủ này".
Nâng cao tinh thần tự lực, tự cường
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên.
"Bên cạnh đó, những gì doanh nghiệp tư nhân, FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc những nơi khó khăn thì DNNN phải xốc vác, tiên phong", Thủ tướng nêu rõ.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh DNNN kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, từ đó phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo bước phát triển đột phá.
Thủ tướng gợi ý mục tiêu DNNN phấn đấu đóng góp 35% ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ này; nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, người lao động năm sau cao hơn năm trước.
"Chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn và không tham nhũng, phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc", Thủ tướng nêu rõ, "nhiệm vụ này cả Chính phủ, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương và từng cá nhân cần phải chung tay".
Nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của DNNN trong xây dựng kinh tế nhà nước và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. "Từ nhận thức thì chúng ta mới có khát vọng mạnh mẽ, quyết tâm cao hơn để làm việc này, để doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh của mình".
Cần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm, tự chủ, trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, còn có vấn đề chưa tách được giữa quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho việc này ách tắc.
Trong đó, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát; từ đó tạo không gian phát triển, không gian đổi mới, sáng tạo.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ; huy động nguồn lực của DNNN vào phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Cần coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quy định các nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ sửa đổi quy định hiện hành về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển khoa học công nghệ; thời hạn trình trong năm 2022.
Thanh tra Chính phủ chủ trì nghiên cứu đổi mới các quy định về thanh tra doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp đổi mới công tác thanh tra doanh nghiệp nhà nước, cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tránh thanh tra chồng chéo; đánh giá hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mang tính tổng thể.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, hoàn thiện để Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội.