A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghìn năm vang vọng lời thề trung hiếu

Trong số hàng nghìn lễ hội tại Việt Nam, có một lễ hội mà mỗi khi nhắc tên, trong lòng con dân đất Việt đều bày tỏ sự biết ơn các vị tiền nhân đã răn dạy lòng trung hiếu với Tổ quốc và tiên tổ, đó là Lễ hội đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) gắn với Hội thề trung hiếu.

Niềm tự hào đó càng nhân lên gấp bội khi vào dịp kỷ niệm 995 năm mới đây, Hội thề trung hiếu được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến đền Đồng Cổ đúng dịp diễn ra Hội thề trung hiếu, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, sự tự hào của mỗi người dân nơi đây. Dù tiết trời oi nóng nhưng ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân và du khách xúng xính trong trang phục áo dài truyền thống tiến về ngôi đền cổ.

Vinh dự tham gia đoàn nghi lễ, em Nguyễn Ngọc Trâm, sinh viên năm thứ nhất Khoa Luật kinh doanh, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Đây là dịp để em cùng các bạn trẻ hướng về cội nguồn, thêm hiểu và yêu lịch sử văn hóa dân tộc”. Trong khi đó, từng tham dự nhiều hội thề, bà Nguyễn Thị Hưởng (78 tuổi, trú tại số nhà 27A, ngõ 324 Thụy Khuê) vẫn háo hức như ngày đầu tham dự. Bà Hưởng cho biết: “Ngay từ sáng sớm, tôi đã giục con cháu tham gia hội thề. Đây là cơ hội để mỗi người dân chúng ta khắc ghi hai chữ trung hiếu, sống sao cho xứng đáng là công dân yêu nước, cháu con hiếu thuận”.

Màn trống hội tại Lễ hội đền Đồng Cổ và Hội thề trung hiếu.

Dưới màn trống, chiêng uy nghiêm, đại biểu, chính quyền địa phương và nhân dân dõng dạc từng câu thề: “Tận hiếu với nhà/ Tận trung với nước/ Đuổi quân xâm lược/ Giữ vững sơn hà/ Lớp lớp cháu con/ Theo gương tiên tổ/ Quyết làm rạng rỡ/ Quê hương đẹp giàu... Làm con bất hiếu/ Làm tôi bất trung/ Thần minh tru diệt”. Suốt 995 năm qua, lời thề trung hiếu vang vọng núi sông, nhắc nhớ mỗi người dân hãy giữ lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô. Lời thề ấy xuất phát từ một bậc quân vương, suốt năm tháng trị vì luôn đặt sự an nguy của nhân dân lên trên hết.

Theo sử sách đền Đồng Cổ chép lại, năm 1020, vâng lệnh vua cha Lý Thái Tổ, Thái tử Lý Phật Mã đem quân đánh giặc Chiêm Thành. Một đêm, ngủ tại đền Đồng Cổ (Thanh Hóa), Thái tử được báo mộng có một vị thần đi theo để trừ giặc. Được thần phù trợ, quan quân nhà Lý đại thắng. Sau khi thắng trận trở về, Thái tử dừng chân dưới núi Khả Lao dâng hương làm lễ tạ ơn và xin phép được rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô Thăng Long thờ phụng, nhằm giúp triều Lý “hộ quốc, an dân”. Đền Đồng Cổ được Thái tử Lý Phật Mã hưng công xây dựng và sau khi dẹp loạn “Tam vương”, được kế vị vua cha, Thái tử lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tông, cho dựng đàn thề để tổ chức Hội thề trung hiếu năm 1028.

Dù ở giai đoạn lịch sử nào của đất nước, Lễ hội đền Đồng Cổ và Hội thề trung hiếu luôn nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của ông cha ta. Hội thề linh thiêng ấy vang vọng núi sông, theo chiều dài của lịch sử đất nước, trải qua các triều đại phong kiến, từ thời Lý, Trần đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Luôn khắc ghi những lời thề ấy trong tâm khảm, ông Hoàng Phạm Mưu (87 tuổi), Trưởng ban quản lý di tích đình, đền, chùa làng Đông Xã bày tỏ: “Trách nhiệm của chúng tôi phải bảo vệ, phát huy di tích, di sản văn hóa và đặc biệt là Hội thề trung hiếu. Lễ hội năm nay có đoàn rước quy tụ gần 1.000 người là con cháu địa phương, mọi người đều phấn khởi”.

Lý giải về giá trị và ý nghĩa của hội thề, ông Hoàng Phạm Mưu cho biết: "Hội thề trung hiếu răn dạy con người đạo làm con phải có hiếu, làm quan phải biết lo cho nhân dân, làm dân phải yêu Tổ quốc, sẵn sàng lên đường khi đất nước cần, làm người phải đặt trung hiếu lên hàng đầu... Trước ngày diễn ra hội thề, đền Đồng Cổ đón hơn 100 học sinh đến từ một số trường học trên địa bàn quận Tây Hồ đến tìm hiểu về lịch sử cội nguồn. Thông qua dịp này, nhiều học sinh đã được giải đáp thắc mắc về người khởi xướng hội thề, ý nghĩa của hội thề, giá trị của di tích đền Đồng Cổ. Chúng tôi mong ngôi đền sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa, trở thành địa chỉ giáo dục văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ”.

Ghi nhận sự tâm huyết của nhân dân phường Bưởi, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định: "Dù 995 năm đã trôi qua cùng với bao biến thiên, bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đồng Cổ, Hội thề trung hiếu đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng nơi đây. Quận Tây Hồ cùng cộng đồng nhân dân sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy để di sản tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam".

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG - THÁI PHƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết