Lắng nghe dư luận để phát hiện sớm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu
Trao đổi về kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực từ sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo về PCTN, tiêu cực của Bộ Ngoại giao ngày 27/2 đến nay, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Xuân Ánh cho biết, xác định năm 2023 là năm hoàn thiện quy chế, quy trình một cách chặt chẽ, phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn công tác nhằm ngăn ngừa từ sớm, từ xa các khuyết điểm, sai phạm và bảo vệ cán bộ.
Tăng cường công tác nắm bắt thông tin đa chiều
Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh cho rằng, việc tăng cường công tác nắm bắt thông tin đa chiều là hết sức quan trọng. Từ việc lắng nghe dư luận để phát hiện sớm các biểu hiện, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, xử lý kịp thời các vi phạm, không để tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng.
Thông qua nhiều hình thức khác nhau, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản liên quan, nhất là các kết luận, chỉ đạo của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ; chú trọng nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đồng thời, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thủ trưởng các đơn vị nêu cao tinh thần “tự soi, tự sửa”, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định về PCTN, tiêu cực; nghiêm túc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giữ gìn, củng cố đoàn kết nội bộ, trao đổi ngay khi có ý kiến khác biệt nhằm tạo đồng thuận.
Phát huy tối đa sức mạnh tập thể, vai trò của cơ chế ba mặt nhằm công khai, minh bạch, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công bằng, khách quan trọng công tác luân chuyển cán bộ, khen thưởng, đề bạt, quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp...
Các tổ chức Đảng, đoàn thể phát huy vai trò tuyên truyền, phối hợp trong kiểm tra, giám sát cũng như trong nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức với chi ủy, lãnh đạo đơn vị.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ
Bên cạnh việc kết hợp giữa thanh tra và kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cơ quan đại diện, các bộ phận chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, tập trung vào các khâu, công việc liên quan đến cung cấp dịch vụ công, mua sắm, chi tiêu, sử dụng tài sản công.
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc xảy ra trong năm 2022, nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu, thủ trưởng các đơn vị, cơ quan đại diện thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra cán bộ, nhân viên về việc thực hiện các quy định về PCTN, tiêu cực; quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quản lý cũng như trong triển khai các hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Trong công tác nắm bắt dư luận, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, các đơn vị chức năng chủ động, tích cực theo dõi, lắng nghe, nắm bắt thông tin để tham mưu cho lãnh đạo Bộ có biện pháp, hình thức lưu ý, chấn chỉnh, kể cả xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên nếu phát hiện sai phạm tại các cơ quan, đơn vị, không để phát sinh thành vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo trong việc triển khai hoạt động bài bản, thực chất; cập nhật, hoàn thiện chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ thành viên, quy trình công tác theo đúng chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trách nhiệm nêu gương của cấp ủy Đảng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực.
"Đặc biệt, nhấn mạnh việc phổ biến đầy đủ các hành vi tiêu cực, tham nhũng cũng như hình thức xử lý nghiêm khắc theo quy định Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời, xem xét, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên của các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan đại diện vi phạm; đề cao tính răn đe, không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTN, tiêu cực, nhất là đối với các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực", Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, tiếp tục kết hợp thanh tra với kiểm tra, giám sát. Phát huy hơn nữa vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo, thủ trưởng các đơn vị, cơ quan đại diện trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công, kịp thời phát hiện, xử lý sớm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm.