A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kết nối văn hóa đọc: Sự tìm tòi mới mẻ của một trường ca

Với âm hưởng sử thi vang vọng cùng sự miêu tả không gian, thời gian rộng dài, nhiều sự kiện,... thể loại trường ca của ta đã làm tốt nhiệm vụ miêu tả, khẳng định giá trị văn hóa yêu nước trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc sống ngày một đổi thay, mới mẻ, đa chiều, hết sức phong phú, do vậy, tư duy thể loại trường ca cần được đổi mới cả về nội dung và hình thức, không chỉ giới hạn trong thể tài sử thi mà còn phải mở ra để theo kịp sự chuyển biến của xã hội.

Trên tinh thần ấy, trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022) của Lê Tuấn Lộc viết về đề tài du lịch văn hóa ra đời là việc rất đáng khích lệ. Tác phẩm thể hiện qua lăng kính của nhà thơ nên du lịch mang một dáng vẻ riêng, mới mẻ, thi vị, tinh tế. Trường ca này đã hoàn thành tốt chức năng thơ hóa những hành trình, những điểm đến với các huyền thoại, các phong tục, tập quán và cả lịch sử. Nó như một cuốn “hướng dẫn”, một “cẩm nang” theo cách của nghệ thuật trường ca để độc giả được hiểu thêm, biết rõ hơn nơi sẽ đến, nơi cần biết. Đồng thời, nó đáp ứng cả những vấn đề mang tính thời đại như kêu gọi sự quan tâm về sinh thái môi trường, về vấn đề tâm linh, tôn giáo...

         Bìa cuốn sách. 

Là nơi gặp gỡ, giao thoa nhiều thể loại, trường ca như một cơ thể sống có xương cốt (cốt truyện) của văn xuôi và da thịt ngôn ngữ của thơ. Cốt truyện “Cảm ơn Người, sông Mekong” là một bi kịch tình yêu của Trúc và Mai. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi cùng đi du lịch dọc theo sông Mekong. Thời gian (5 năm) và không gian (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) của chuyến đi ấy thống nhất với thời gian và không gian nghệ thuật tác phẩm. Như tên gọi, trường ca này tập trung xây dựng hình ảnh sông Mekong thành một biểu tượng vừa mang tính mẫu gốc, vừa mang tính hiện đại. Trúc Mai chọn điểm khởi đầu của chuyến đi du lịch ở Tây Tạng cũng là cách bắt đầu một hành trình “liên văn hóa” nơi miền thượng nguồn.

Sông Mekong trở nên đa nghĩa, vừa là dòng sông vật lý, có thật, vừa là dòng tâm linh huyền thoại mà nhìn sâu vào đó sẽ thấy tư tưởng, quan niệm về cách ứng xử theo tinh thần Phật giáo, tùy vào tính chất vùng miền. Thế nên chuyến hành trình của Trúc-Mai là một “liên văn hóa”, vừa là hành trình trong thực tế hôm nay, vừa là về với quá khứ hôm qua, tìm tới miền dấu tích xa xưa, nguyên thủy để hiểu hơn chính mình, hiểu hơn hôm nay. Có thể coi nội dung trường ca là một cuộc hành trình về ngọn nguồn văn hóa châu Á và các biểu hiện đặc sắc được thể hiện sinh động, đa dạng ở các địa danh khác nhau. Tác phẩm sẽ đưa người đọc đến chiêm ngưỡng các đền đài, các lăng tẩm nổi tiếng nhất, theo dấu thời gian, chúng đã trở thành các “mẫu con” để người đọc tìm hiểu, khám phá. Một nét tạo nên sự hấp dẫn của trường ca là miêu tả, giới thiệu những nét cơ bản nhất, gọi ra cái thần thái của sự vật, hiện tượng còn nhường cho bạn đọc sự “giải mã”, tùy vào vốn hiểu biết, chiêm nghiệm của mỗi người.

Được viết bằng ngôn ngữ của tình yêu (Trúc-Mai) nhưng thế giới ngôn từ của trường ca không đơn điệu mà được đa dạng hóa. Có khi là cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau chung quanh một vấn đề, hiện tượng. Có khi là lời của Trúc, một chuyên gia môi trường nên vấn đề trở nên cụ thể, sâu sắc, bản chất. Có khi là lời của Mai-người từng sống ở nhiều nơi, cắt nghĩa về một phong tục lạ... Tác giả rất có chủ ý “liên văn hóa” thời hiện tại với tục ngữ, ca dao, truyện cổ mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, vừa nới rộng miền không gian văn hóa, vừa để bạn đọc biết thêm, hiểu sâu hơn về một phong tục, tín ngưỡng riêng. Đó là sự tìm tòi đáng quý ở trường ca này.


Tags: trường ca
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết