A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hôm nay (19-6), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, hôm nay (19-6), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chương trình làm việc cụ thể hôm nay:

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và dự án Luật Phòng không nhân dân.

 Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy. 

* Hôm qua (18-6), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 31 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 5 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi sửa đổi; bố cục của dự thảo luật; địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; giải thích từ ngữ; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở; thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam; phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; bảo đảm về tổ chức, cán bộ; bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; bảo đảm cho cán bộ công đoàn; vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn…

Kết thúc thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các nội dung sau: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

THANH HẢI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết