A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đưa cổ vật về nước - chuyện không riêng của nhà quản lý

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”-một báu vật hoàng cung triều Nguyễn chính thức được Pháp bàn giao cho Việt Nam ngày 16-11 vừa qua là sự kiện đáng mừng, nhưng cũng gợi lên không ít điều đáng bàn về hiện tượng “chảy máu” cổ vật của Việt Nam. Việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước đã được “khởi động” gần 20 năm nay bởi các cấp quản lý nhà nước cũng như phía tư nhân, tuy nhiên công việc này vẫn chưa có một chiến lược cụ thể với những cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đủ mạnh.

Khi tư nhân đồng hành với Nhà nước

Là thành viên trong đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng Bộ Ngoại giao sang Pháp tham dự lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, nhà nghiên cứu, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, đây là sự kiện mở ra nhiều cơ hội khác cho việc hồi hương cổ vật, khi có sự chung tay của các nguồn lực trong xã hội.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã trở về Việt Nam sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh), do ông Nguyễn Thế Hồng làm Giám đốc, được chọn là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” theo pháp luật của Cộng hòa Pháp. Công ty thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo TS Phạm Quốc Quân, với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm trên một lãnh thổ trải dài hơn 2.000km bên bờ Thái Bình Dương, Việt Nam tự hào là quốc gia có bề dày văn hiến, có nền văn hóa giàu có và đa dạng. Dĩ nhiên, chúng ta cũng rất tự hào vì có một kho tàng di sản cổ vật phong phú. Nhưng có một sự thật đáng buồn, theo thống kê, toàn bộ hệ thống bảo tàng công lập của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng trên dưới 4 triệu hiện vật, sau các đợt công nhận của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2012 đến nay, mới chỉ hơn 260 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là những con số vô cùng khiêm tốn so với những gì Việt Nam vốn có.

Đoàn Việt Nam nhận bàn giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn tại Pháp. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

“Chiến tranh, những biến động của thiên nhiên và thời gian đã phá hủy, mang đi của chúng ta rất nhiều di sản quý giá, trong đó có vô số cổ vật và các tư liệu lịch sử. Đến nay, có một số lượng rất lớn thuộc loại hình di sản đặc biệt này chưa trở về Tổ quốc, chúng được trưng bày trong nhiều bảo tàng lớn, thuộc sưu tập tư nhân, trong tay những nhà buôn bán cổ vật. Trong ít năm trở lại đây, khi các cổ vật quý của Việt Nam được rao bán trên một số sàn đấu giá cổ vật nổi tiếng ở Pháp, Tây Ban Nha, Hồng Công (Trung Quốc)... thì dư luận trong nước mới thực sự quan tâm đến vấn đề hồi hương cổ vật”, TS Phạm Quốc Quân cho hay.

Không riêng ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, thời gian qua, nhiều chuyến hồi hương cổ vật thu hút sự quan tâm của cộng đồng như: Pháp trả lại chiếc bàn gỗ quý về Huế trong cuộc đấu giá năm 1989; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mua chiếc xe kéo đời Vua Thành Thái và chiếc long sàng của Vua Khải Định vào năm 2015; năm 2021, mũ quan triều Nguyễn được đơn vị tư nhân trong nước tặng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi đấu giá thành công tại một nhà đấu giá ở Tây Ban Nha với số tiền gần 16 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Thế Hồng cho biết: “Là công dân Việt Nam, chúng tôi luôn tự hào về các di sản văn hóa của dân tộc và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ cũng như phát huy giá trị của di sản. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tôi hy vọng ngoài ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, sẽ còn nhiều di sản quý báu khác tiếp tục được hồi hương bởi sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân để làm giàu thêm cho kho tàng di sản của dân tộc”. Nhà sưu tầm Nguyễn Thế Hồng cũng ký cam kết với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), sẽ chỉ chuyển giao bảo vật cho cơ quan nhà nước khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng.

Hành lang pháp lý bảo vệ cổ vật

Sự kiện đưa cổ vật ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn trở về Tổ quốc trùng với thời điểm Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị-hội thảo lấy ý kiến các cấp quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Cụ thể, theo đề cương dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung sẽ có điều 45 quy định về việc “đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước”. Theo dự kiến, điều luật này sẽ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước (mua, hiến tặng, trao trả).

PGS, TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa đề xuất, cần thiết có một vài điều luật quy định về việc tham gia các Công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các Công ước, Hiến chương, Khuyến nghị... về bảo vệ cổ vật để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách về việc nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật của nước ta bị đánh cắp trong thời kỳ trước đây và hiện nay bị di chuyển trái phép ra nước ngoài; hoặc nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân để chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật đó, bớt bị động như thời gian qua.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, quá trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là dấu mốc quan trọng, mở ra kinh nghiệm trong sự phối hợp công-tư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp và tham vấn Ban thư ký Công ước năm 1970 của UNESCO về Danh mục, làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.

* Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Luật Di sản văn hóa nêu: “Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

* Mức chuyển nhượng ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là 5 triệu euro cùng phí do hãng Millon yêu cầu là 1.100.044 euro. Tổng mức chi phí chuyển nhượng là 6.100.044 euro, gồm phí cho hãng Millon và phí bồi thường quyền sở hữu ấn vàng theo Luật Di sản của Pháp.


Tags: cổ vật
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết