A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Động lực mới cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào

Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam tiếp tục có thêm những động lực để phát triển lên tầm cao mới.

Mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, có một không hai

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Phankham Viphavanh sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 10-1-2022. Đây là một dấu mốc trong quan hệ được đánh giá là mẫu mực, thủy chung, trong sáng, có một không hai trên thế giới.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, thân thiết, nhân dân hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời. Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, hai dân tộc anh em đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, nhường cơm sẻ áo, thậm chí nhường nhau tính mạng để cùng đi tới thắng lợi cuối cùng.

Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ân tình của nhân dân Lào khi tự nguyện rời nhà cửa, bỏ nương rẫy lùi sâu vào rừng để con đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn vươn dài khắp 7 tỉnh từ Trung đến Nam Lào, để hàng triệu tấn hàng từ miền Bắc theo những đoàn xe vận tải, theo vai thanh niên xung phong vào chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, quan hệ hai nước chuyển từ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

 

Ngày 18-7-1977, hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này. Tiếp đó, tháng 2-2019, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Lào, hai bên nhất trí nâng cấp từ “quan hệ truyền thống” trở thành “quan hệ truyền thống vĩ đại”. Đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Với nền móng vững chắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phom vihane cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở mỗi nước.

Quan hệ chính trị của hai nước tiếp tục được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó, tin cậy, giữ vai trò nòng cốt định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước. Nổi bật trên lĩnh vực này trong năm 2021 là chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (6-2021); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane (12-2021), chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (8-2021).

Đặc biệt, ngày 10-8-2021, Việt Nam đã chính thức bàn giao cho Lào công trình Tòa nhà Quốc hội mới sau 4 năm xây dựng. Đây là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em. Tòa nhà Quốc hội mới đã được sử dụng để tổ chức Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX của Lào.

Động lực mới cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ảnh 1

Tòa nhà Quốc hội mới của Lào-Biểu tượng của mối quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào

 

Biện pháp đột phá thúc đẩy quan hệ Việt - Lào trên các lĩnh vực

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Thủ tướng Phankham Viphavanh sẽ cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp thứ 44 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào để thảo luận về các định hướng lớn, biện pháp đột phá nhằm tiếp tục đưa hợp tác Việt-Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.

Trong năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở cả hai nước, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào vẫn duy trì đà tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 670 triệu USD, tăng hơn 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế đến nay, Việt Nam có 209 dự án tại Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,16 tỷ USD, duy trì vị trí thứ ba trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Lào. Một số dự án lớn đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm cho người dân Lào, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước .

Để tăng cường hỗ trợ nhau cùng phát triển, hai nước đang thúc đẩy các dự án kết nối kinh tế và giao thông như Dự án xây dựng tuyến cao tốc Vientiane-Hà Nội, Dự án tuyến đường sắt Khammuan-Vũng Áng… Việc triển khai các dự án vốn viện trợ ODA của Việt Nam dành cho Lào cũng đạt nhiều kết quả. Tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã bàn giao 26 dự án cho Lào, riêng năm 2020 là 5 dự án. Trong lĩnh vực ưu tiên là giáo dục, đào tạo, Việt Nam đã hỗ trợ để Lào có đủ nguồn nhân lực chất lượng, phát triển đất nước. Trong những năm qua, số lượng học bổng Việt Nam dành cho học sinh-sinh viên Lào ngày càng tăng và năm 2021, con số này đã lên tới 1.220.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phankham Viphavanh còn là sự kiện khởi động cho “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào -Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (5-9-1962) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18-7-1977).

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, đặc biệt là 45 năm thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, nhân dân hai nước có thể tự hào về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào anh em, tài sản vô giá của hai dân tộc. Vì thế, trong năm 2022, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động kỷ niệm những sự kiện trọng đại này nhằm truyền tải tinh thần, tình cảm hai dân tộc Việt Nam-Lào đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước và giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt, trong sáng Việt Nam - Lào.

Nhiều hoạt động sẽ được thực hiện trong Năm đoàn kết hữu nghị, như: Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Lào lần thứ IV theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; tuyên truyền và phổ biến rộng rãi Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào; xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền song ngữ với chủ đề con đường huyền thoại Tây Trường Sơn - tượng đài vĩ đại về tình hữu nghị hai nước; thi tìm hiểu (online, bài viết) về lịch sử, quan hệ hai nước; gặp gỡ, giao lưu hữu nghị giữa các tỉnh Hội biên giới... Đó sẽ là những hoạt động thiết thực để mãi mãi duy trì mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không để bất cứ thế lực nào có thể chia rẽ hai nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết