A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đà Nẵng: Hệ lụy của việc khai khoáng không hoàn thổ

Do các chủ mỏ khai thác khoáng sản xong nhưng không chịu hoàn thổ, nên hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng phải bỏ hoang hóa vì bị vùi lấp trong quá trình khai thác đất, đá của các mỏ trên địa bàn…

Article thumbnail
Hàng chục ha đất khu vực đã khai thác mỏ ở thôn Phước Hậu - Phước Thuận không thể canh tác được. Ảnh: N.P

Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, qua rà soát, đến nay trên địa bàn xã có hơn 38ha đất nông nghiệp không sản xuất được do hoạt động khai thác khoáng sản làm bồi lấp đất, đá. Có 12 xứ đồng thuộc 3 thôn Phước Hậu - Phước Thuận, Thạch Nham Đông và Hòa Khương Đông bị ảnh hưởng nặng nề.

Tham gia khai thác khoáng sản trên địa bàn xã gồm hàng chục đơn vị, như: Cty TNHH Phúc Đặng, Đại Hồng Tín, Vạn Tường, Cty Xây lắp vật liệu Fococev, Cty Cổ phần Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh, Cty Vinaconex 10, Cty Quang HT, Cty Cầu đường…

Hầu hết các mỏ đã kết thúc thời hạn khai thác, không được gia hạn, nhưng đến nay, các đơn vị khai thác mỏ không chịu cải tạo, phục hồi môi trường, dẫn đến việc bồi lấp ruộng và hàng năm diện tích bị ảnh hưởng tăng lên, gây bức xúc trong nhân dân sở tại.

Sau khi người dân phản ánh, doanh nghiệp cũng đã khắc phục bằng cách hỗ trợ tiền vụ mùa cho nhân dân hàng năm. Tuy nhiên, tại xứ đồng Hố Rái, thôn Phước Hậu - Phước Thuận, số tiền hỗ trợ đến nay còn nợ người dân 503 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Hậu - Phước Thuận, đây là thôn có số mỏ khai thác khoáng sản nhiều nhất và cũng có diện tích bị bồi lấp lớn nhất xã. Từ năm 2010 đến nay, gần 25ha ruộng sản xuất của người dân đã bị bồi lấp, khô cằn, không thể nào trồng được bất cứ cây gì được.

Mặc dù TP đã hỗ trợ phần diện tích sản xuất bị ảnh hưởng hàng năm, nhưng quá trình chuyển đổi ngành nghề cho người nông dân mất đất vô cùng khó khăn, nhất là khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động nên không còn hỗ trợ, đền bù cho người dân như cam kết đã ký trước đó. “Cuộc sống người dân khó khăn và bất lực nhìn đất bỏ hoang vì không thể sản xuất nổi”, ông Tuân trăn trở.

Người dân trong thôn đề nghị chính quyền và ngành chức năng có hướng giải quyết, trả lại mặt bằng để người dân sản xuất hoặc thu hồi đất và đền bù dứt điểm cho người dân. Không chỉ ảnh hưởng đến đất đai, quá trình khai thác, vận chuyển đất, đá gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân thôn Phước Hậu - Phước Thuận và Thạch Nham Tây.

Cụ thể: Thôn Thạch Nham Tây có 33 hộ dân với 136 nhân khẩu bị ảnh hưởng, diện tích đất ở khoảng 20.000m2. Thôn Phước Hậu - Phước Thuận có 119 hộ dân, 499 nhân khẩu bị ảnh hưởng, diện tích đất ở khoảng 60.000m2.

Lãnh đạo UBND xã Hòa Nhơn đã kiến nghị, đối với đất nông nghiệp không sản xuất được, đề nghị các ngành chức năng của TP cho chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế, tránh bỏ hoang hóa gây lãng phí tài nguyên.

Đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ vụ mùa hàng năm cho người dân bị ảnh hưởng đã được thống kê và đề xuất UBND huyện Hòa Vang, UBND TP Đà Nẵng sớm có kế hoạch di dời, giải tỏa các hộ dân bị ảnh hưởng môi trường, bố trí khu tái định cư mới cho người dân.      

UBND huyện Hòa Vang cũng đề nghị UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng sử dụng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường của các đơn vị đã đóng để hỗ trợ vụ mùa cho các hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp không sản xuất được.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Hòa Nhơn có 2 khu vực có nợ liên quan đến khoáng sản. Khu vực thứ nhất có 4 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, khu vực thứ 2 có 3 doanh nghiệp tạm dừng chờ cấp phép. Qua rà soát cho thấy, số tiền ký quỹ phục hồi môi trường hiện còn khoảng 5,3 tỷ đồng. Sở TN&MT sẽ kiến nghị UBND huyện Hòa Vang mời các chủ mỏ đã ký cam kết với người dân phải thực hiện hỗ trợ. Nếu không, sẽ đề xuất UBND TP xử lý theo quy định.

Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, trước khi lập dự án khai thác mỏ, các doanh nghiệp đã ký quỹ cải tạo môi trường sau khai thác theo quy định pháp luật. Nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, diện tích đất ở các mỏ đã ngừng khai thác, đất đai bị ảnh hưởng do khai thác mỏ khó có thể sử dụng để sản xuất nông nghiệp lại như ban đầu. Cho dù doanh nghiệp có hỗ trợ người dân mà vấn đề này không được quy định trong luật, thì người dân cũng khó sử dụng đất ấy để đảm bảo cuộc sống.

Vì vậy, các ngành chức năng của TP và địa phương nên xem xét để có phương án di dời người dân vùng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác mỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó có hướng ổn định đời sống lâu dài cho người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết