Công đoàn Thủ đô tập trung nguồn lực, chăm lo lợi ích đoàn viên
Viết tiếp truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử 95 năm hình thành và phát triển, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên, người lao động.
Hoạt động của Công đoàn cơ sở thực chất hơn
95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đồng hành với sự hình thành và phát triển 95 năm qua của Công đoàn Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh chủ trì hội nghị đối thoại với công nhân, lao động |
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Thủ đô ngày càng phát triển lớn mạnh. Hoạt động của các Công đoàn cơ sở từng bước đi vào nền nếp và ổn định hơn, thực chất hơn, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động...
Với đặc thù là địa phương có số lượng đoàn viên, người lao động lớn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai hiệu quả công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố có 1.162/1.162 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (đạt 100%) và 2.915/4.109 đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động (đạt 70,94%). Hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đối thoại trong các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng.
LĐLĐ thành phố đã phối hợp UBND thành phố tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động Thủ đô. Tại hội nghị, đã có hơn 600 ý kiến, kiến nghị bằng văn bản và 34 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chăm sóc sức khỏe, y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động... Lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương giải đáp ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động. Nội dung các ý kiến trả lời đều thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận cao của công nhân lao động.
LĐLĐ thành phố cũng đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thủ đô. Tại hội nghị, đã có 240 ý kiến bằng văn bản và 36 ý kiến phát biểu đề xuất trực tiếp, tập trung vào các nội dung liên quan đến các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn (sửa đổi) và những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống, thu nhập của công nhân, người lao động trên địa bàn. Qua đó góp phần sửa đổi, xây dựng các chính sách pháp luật mang tính khả thi, sát tình hình thực tế.
Công đoàn Thủ đô xây dựng Tủ sách Công đoàn phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân, lao động |
Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được Công đoàn Thủ đô tiếp tục triển khai hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức chăm lo, hỗ trợ cho trên 550.000 lượt đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 202,7 tỷ đồng.
"Tự hào về sự lớn mạnh và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam, mỗi cán bộ, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn thành phố càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân Thủ đô và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khẳng định. |
LĐLĐ thành phố đã triển khai đề án thí điểm về tổ chức chăm lo nghỉ dưỡng cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đến nay đã tổ chức được 2 đợt với 172 đoàn viên được tham gia thụ hưởng; triển khai Kế hoạch “Khám sức khỏe sinh sản, khám tầm soát ung thư miễn phí cho 8.000 công nhân lao động” năm 2024…
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục duy trì hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 Cụm văn hóa thể thao; xây dựng Tủ sách Công đoàn tại các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân... Qua đó, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô.
Hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, hành trình 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam luôn làm tốt nhiệm vụ vận động, tổ chức công nhân lao động đoàn kết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, quyền lợi giai cấp công nhân và người lao động.
“Đóng góp vào những kết quả chung của thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những cống hiến to lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ Thủ đô”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm hỏi, kiểm tra tại buổi khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân nữ |
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, Công đoàn tiếp tục tập trung thực hiện các chức năng cốt lõi của tổ chức là chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đời sống văn hoá, tinh thần, khen thưởng, xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, giám sát hợp đồng lao động...; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
“Các cấp Công đoàn cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khoẻ, kỹ năng lao động, phong cách làm việc, sẵn sàng tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô, đưa năng suất chất lượng lao động của Thủ đô đứng đầu cả nước”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý.
Các cấp Công đoàn nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh |
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu. Các phong trào cần hướng về cơ sở, quan tâm đến cán bộ Công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp ở cơ sở; lấy cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy người lao động là đối tượng phục vụ.
Trước mắt, Công đoàn Thủ đô cần tổ chức tốt các phong trào thi đua tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội 17 Công đoàn Thủ đô và Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam; phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác lớn của Thành ủy, chủ đề hàng năm của thành phố bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi đoàn viên công đoàn tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; đồng thời thực hiện tốt các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy Hà Nội sự phối hợp của chính quyền và các ban, Sở, ngành thành phố; đồng thời, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện tốt các chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.