Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân 2023
Đến thời điểm này, phần lớn các lễ hội đầu xuân trên cả nước diễn ra an toàn, văn minh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều hiện tượng phản cảm như trước đây đã giảm đáng kể nhờ công tác quản lý, tổ chức được thắt chặt và ý thức nhân dân được nâng cao.
Nhiều đổi thay tích cực
Đầu Xuân Quý Mão, các hoạt động lễ hội và du lịch văn hóa, tâm linh trên cả nước diễn ra sôi nổi, vui tươi sau hơn hai năm tạm dừng vì dịch Covid-19. Các điểm đến và lễ hội lớn như: Chùa Hương, đền Sóc (Hà Nội); đền Trần (Nam Định); núi Bà Đen (Tây Ninh); chùa Bái Đính-Tràng An (Ninh Bình); Yên Tử (Quảng Ninh); miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); hội Lim (Bắc Ninh); Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương (Hà Nam)... cơ bản diễn ra an toàn, văn minh.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy công tác tổ chức lễ hội và phục vụ du khách ở các điểm di tích có nhiều chuyển biến tích cực để nâng cao tính văn minh nơi thờ tự, không gian sạch đẹp, an toàn và bảo đảm các yếu tố truyền thống; người dân và du khách chấp hành tốt hơn các quy định. Các ban quản lý, ban tổ chức lễ hội đã tăng cường lực lượng phục vụ khách đến lễ hội, làm tốt việc thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích; công tác tổ chức bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đặc biệt, các tệ nạn, biến tướng và những hình ảnh phản cảm như trước đây đã giảm mạnh.
Các liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền tại Hội Lim 2023. |
Từng là điểm nóng và thường "vỡ trận" mỗi khi khai hội, Lễ hội khai ấn đền Trần 2023 tại Nam Định thu hút lượng du khách thập phương tăng đột biến nhưng vẫn bảo đảm an toàn, trang nghiêm và văn minh. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần-chùa Tháp, Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần 2023, cho biết: “Trước ngày khai ấn, chúng tôi rất lo lắng về tình trạng xô đẩy, mất cắp, xả rác nơi thờ tự, ùn tắc giao thông, cướp lộc... Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng TP Nam Định nên lễ hội diễn ra trang nghiêm, an toàn tuyệt đối”.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (Hà Nội), sau nghi lễ tại sân Rồng, giò hoa tre và trầu cau cung tiến đức Thánh Gióng được đưa về đền Hạ và đền Mẫu để phát lộc cho du khách; không có hiện tượng cướp lộc tre, chen lấn, xô đẩy tranh lộc như trước đây. Từng là lễ hội gây nhiều tranh cãi, Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã có sự đổi mới về nghi thức mà vẫn giữ được tập tục truyền thống của xứ Kinh Bắc cổ xưa. Ông Nguyễn Đăng Công, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, năm nay, lễ hội làng Ném Thượng vẫn duy trì các nghi thức truyền thống nhưng bảo đảm thực hiện theo nếp sống văn minh. Nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra, thay vào đó "ông ỉn" được đưa vào khu vực kín đáo giết thịt tế thánh.
Cần tiếp tục làm tốt hơn công tác quản lý lễ hội
Dù có nhiều giải pháp, sáng kiến mới với chủ đề “An toàn, văn minh, thân thiện", song Lễ hội chùa Hương 2023 vẫn còn tình trạng chèo kéo khách. Một số du khách đến chùa Hương bức xúc khi bị “cò” vặt giá tới 800.000 đồng/lượt ngồi đò (thay vì 130.000 đồng như giá niêm yết). Tại Hội Lim 2023, mặc dù không còn hình ảnh “ngả nón xin tiền”, nhưng xuất hiện tình trạng nhiều du khách mang theo đồ ăn ngang nhiên ngả chiếu tại đồi Lim để ăn uống gây phản cảm, mất mỹ quan.
Tại Lễ hội Ná Nhèm 2023 (Lạng Sơn), do trời mưa to, gió thổi mạnh và có sự tác động của người hiếu kỳ nên khi di chuyển, chiếc khăn phủ trên "Tàng thinh" (sinh thực khí nam) bị tuột ra, được nhiều du khách chụp ảnh, lan truyền trên mạng xã hội và gây dư luận không hay. Mặc dù ban tổ chức lễ hội đã lên tiếng xin lỗi, song theo các chuyên gia, việc rước "Tàng thinh" tạo sự tò mò và gợi dục. Một số người cho rằng, việc làm "Tàng thinh" và "Mặt nguyệt" (sinh thực khí nữ) nên nhỏ gọn, thay vì phô trương; cần thực hiện nghi lễ dưới dạng kín đáo để bớt dung tục, tránh phai nhạt đi ý nghĩa đáng quý là cầu mong con đàn cháu đống, sinh sôi nảy nở.
Sau khi khẳng định các lễ hội diễn ra an toàn, đúng quy định, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân đi lễ hội. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và tổ chức lễ hội; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. "Cục Văn hóa cơ sở sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý, chủ động và sát thực tiễn; có trọng tâm, trọng điểm về hoạt động lễ hội và du lịch văn hóa tâm linh. Chúng tôi cũng có biện pháp chỉ đạo sát sao đối với các lễ hội còn bất cập để tập trung khắc phục, cùng địa phương làm tốt công tác quản lý; tạo tâm lý thoải mái, thảnh thơi cho người đi lễ hội”, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Lễ hội truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt khi đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh, đồng thời tái hiện mô thức văn hóa cổ xưa của dân tộc. Qua thời gian, dù nhận thức của nhân dân dần nâng cao song việc tổ chức lễ hội vẫn cần tiếp tục “gạn đục khơi trong” để đẩy lui những hình ảnh phản cảm, lai căng; chú trọng lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.