Chính quyền địa phương 2 cấp: Đánh dấu một bước cải cách tổng thể mang tầm chiến lược trong quản trị địa phương
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức đi vào vận hành trên toàn quốc, đánh dấu một bước cải cách tổng thể mang tầm chiến lược trong quản trị địa phương tại Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã Kiến Thụy thành phố Hải Phòng hoạt động bước đầu hiệu quả. Ảnh: Kim Thành
Kết quả bước đầu và triển vọng
Sau 21 ngày vận hành chính quyền 2 cấp tại các tỉnh, thành phố kể từ 1/7, Bộ Nội vụ cho biết các văn bản hướng dẫn thủ tục hành chính, phân quyền thẩm quyền đã được ban hành đầy đủ. Chính quyền địa phương đã bắt đầu triển khai trực tiếp phục vụ người dân, doanh nghiệp với hệ thống thủ tục hành chính rõ ràng, biểu mẫu, thời hạn và chi phí minh bạch.
Việc bỏ cấp huyện, sáp nhập các xã, phường, tinh giảm 63 tỉnh, thành phố xuống 34 tỉnh, thành phố đã tạo ra “không gian phát triển mới” và dư địa cho liên kết vùng, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý.
Tuy có nhiều bước tiến quan trọng, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận quá trình sắp xếp và vận hành là khối lượng công việc lớn chưa từng có. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế nhanh nhưng phải tránh “khoảng trống pháp lý” và trách nhiệm phân quyền không rõ ràng.
Để giải quyết, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành thực hiện khẩn trương việc ban hành 7 nghị định liên quan Luật Cán bộ công chức, phân quyền thẩm quyền, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính để cấp cơ sở hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc đảm bảo chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng nghỉ theo quy định, bố trí lại cán bộ đủ năng lực, giúp giảm áp lực và giữ ổn định xã hội cũng là trọng tâm.
Chất lượng nhân sự là then chốt
Bộ Nội vụ luôn cho rằng: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố then chốt quyết định thành công của mô hình chính quyền hai cấp. Vì cấp xã mới không chỉ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản mà còn đảm nhận vai trò thực thi chính sách trực tiếp với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn.
Do đó, việc đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ, đồng thời cơ cấu lại, dành nguồn lực cho cấp xã là ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai.
Dù vẫn còn nhiều thách thức như hoàn thiện thể chế, bố trí nguồn lực đủ, và xử lý các vướng mắc địa phương, chính quyền 2 cấp hứa hẹn mang lại nền hành chính gần dân hơn, hiệu quả hơn và đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi quá trình triển khai thực tế, tiếp thu phản hồi từ địa phương và kịp thời điều chỉnh chính sách để bảo đảm mô hình 2 cấp vận hành thông suốt và bền vững.
Bộ Nội vụ đã chủ động hoàn thiện văn bản pháp lý, phân quyền phân cấp rõ ràng, tinh giản bộ máy, đồng thời chú trọng phát triển năng lực cán bộ và giảm thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ cả nước đã sắp xếp lại 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm rút về còn 34 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; đồng thời tổ chức lại 10.035 đơn vị hành chính cấp xã để còn 3.321 đơn vị, đạt tỉ lệ sắp xếp 67,9%.
Trong quá trình này, hơn 23.000 công chức, viên chức đã nghỉ theo quy định, và dự kiến sẽ có thêm khoảng 9.000 trường hợp nghỉ tiếp theo. Đồng thời, Bộ Nội vụ phân công sắp xếp lại tổ chức vận hành để ứng phó với khối lượng công việc “chưa từng có trong lịch sử”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ngày 13/7. Ảnh: BNV
Hướng dẫn giải quyết vướng mắc tại địa phương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Phạm Thị Thanh tra cho biết: Ngày 7/7/2025, Bộ Nội vụ đã gửi Công văn 4753/BNV/CQĐP đến UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như trụ sở làm việc. Đồng thời, các đơn vị phải đảm bảo công khai thủ tục hành chính, số hóa tài liệu và tránh phát sinh điểm nóng, bất ổn tại địa phương.
Bộ Nội vụ cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng đề án số hóa tài liệu lưu trữ, tận dụng kho dữ liệu số và liên hệ Bộ Nội vụ nếu phát sinh vượt nguồn lực thẩm quyền để được hỗ trợ.
Theo Luật sửa đổi Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết liên quan, cấp xã, phường, đặc khu sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ trước đây của cấp xã và cấp huyện — trở thành cấp trực tiếp xử lý mọi vấn đề dân sinh tại địa bàn cơ sở. Cấp tỉnh giữ vai trò hoạch định chính sách, quy hoạch, quản lý liên vùng và các vấn đề vượt khả năng cấp xã.
Mô hình mới hướng tới tinh gọn bộ máy, giảm số đơn vị hành chính và cải thiện hiệu năng quản lý, phù hợp với chủ trương “địa phương quyết – địa phương làm – địa phương chịu trách nhiệm”.