Châu Âu rút khí đốt dự trữ với tốc độ chưa từng thấy
Châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn khi rút khí đốt từ kho dự trữ với tốc độ kỷ lục do thời tiết lạnh, nhập khẩu LNG giảm và áp lực địa chính trị gia tăng.
Dữ liệu báo động từ các kho dự trữ
Theo Financial Times, châu Âu đang phải đối mặt với một mùa đông đầy thách thức khi khí đốt từ các kho dự trữ được rút ra với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng 3 năm trước. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng do thời tiết lạnh hơn, cộng thêm sự sụt giảm trong nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), đang khiến các quốc gia EU phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng thiết yếu này.
Báo cáo từ Gas Infrastructure Europe cho thấy, từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 12/2024, lượng khí đốt lưu trữ tại các kho ngầm của EU đã giảm khoảng 19%. Đây là mức giảm mạnh so với các năm trước, khi nhiệt độ mùa đông ấm hơn giúp giữ cho các kho dự trữ đầy đủ hơn. Trong hai mùa đông gần nhất, nhờ vào sự hạn chế tiêu thụ của các ngành công nghiệp trước giá khí đốt cao, châu Âu không phải đối mặt với áp lực lớn như hiện tại.
Lượng khí đốt tại các địa điểm lưu trữ của EU đã giảm khoảng 19% từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 12/2024. Ảnh: Financial Times |
Bà Natasha Fielding, giám đốc tại Argus Media, cho biết: “Châu Âu đang phải phụ thuộc vào nguồn dự trữ ngầm nhiều hơn trong mùa đông này so với hai năm qua, để bù đắp lượng LNG nhập khẩu thấp và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn”.
Việc châu Á tăng cường nhập khẩu LNG đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với EU, làm chậm dòng nhập khẩu khí đốt tự nhiên vào khu vực. Điều này buộc các quốc gia châu Âu phải tăng cường rút khí đốt từ kho dự trữ.
Tình trạng này gợi nhớ lại năm 2021, khi lượng khí đốt dự trữ của châu Âu sụt giảm nghiêm trọng giữa tháng 12 do Nga bắt đầu cắt giảm nguồn cung qua đường ống trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Hiện tại, dự trữ khí đốt của EU đang ở mức 75%, cao hơn trung bình 10 năm qua nhưng thấp hơn nhiều so với con số gần 90% vào cùng kỳ năm ngoái.
Giá khí đốt bình ổn nhưng tiềm ẩn rủi ro
Dù giá khí đốt tại châu Âu đã giảm khoảng 90% so với mức đỉnh trên 300 euro/megawatt giờ vào mùa hè năm 2022, việc tiêu thụ nhanh chóng nguồn dự trữ trong mùa đông này có thể khiến quá trình nạp lại trở nên khó khăn và tốn kém hơn trong năm tới.
Các thương nhân trên thị trường năng lượng đã bắt đầu giao dịch khí đốt giao vào mùa hè năm sau với giá cao hơn giá giao vào mùa đông, phản ánh chi phí tái bổ sung dự kiến tăng mạnh. Các quốc gia thành viên EU sẽ phải đảm bảo mức dự trữ đạt 90% công suất vào đầu tháng 11/2024 theo quy định của Ủy ban châu Âu.
Lượng dự trữ khí đốt ở châu Âu đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm. Ảnh: Euronews |
Phần lớn nguồn cung khí đốt của EU hiện nay đến từ LNG. Tuy nhiên vừa qua, Mỹ - nhà cung cấp LNG lớn nhất cho EU đã gây áp lực buộc châu Âu phải cam kết mua một lượng lớn khí đốt từ họ hoặc đối mặt với các biện pháp thuế quan. Trong khi đó, Qatar - nhà cung cấp LNG lớn thứ ba đe dọa sẽ ngừng cung cấp nếu các quy định nghiêm ngặt về khí thải carbon và quyền lao động được áp dụng tại EU.
Những quốc gia bị ảnh hưởng
Hiện tại, mức độ cạn kiệt kho dự trữ đang không đồng đều giữa các quốc gia thành viên EU. Hà Lan ghi nhận mức giảm 33% lượng khí đốt lưu trữ kể từ đầu mùa đông, trong khi Pháp giảm 28%. Những con số này cho thấy sự khác biệt trong khả năng quản lý và ứng phó với nhu cầu gia tăng nguồn khí đốt của từng quốc gia trong khu vực.
Hơn nữa, tuyến đường cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine, chiếm khoảng 5% lượng nhập khẩu của EU, dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm 2024 khi thỏa thuận quá cảnh hết hạn. Mặc dù ông Andreas Guth, Tổng Thư ký Eurogas nhận định rằng không có mối lo ngại lớn về khả năng dừng cung cấp từ Nga, ông cũng cảnh báo rằng: “Mỗi mét khối khí đốt bổ sung đều có ý nghĩa quan trọng trong mùa nạp khí tiếp theo”.
Châu Âu cũng đang phải đối mặt với hiện tượng “Dunkelflaute” - thời điểm gió lặng và ánh nắng ít, khiến các nguồn năng lượng tái tạo không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này càng làm gia tăng áp lực sử dụng khí đốt để phát điện.
Việc tiêu thụ nhanh chóng khí đốt dự trữ trong mùa đông này không chỉ đặt ra những rủi ro ngắn hạn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược năng lượng dài hạn của EU. Với nhu cầu tiếp tục tăng, áp lực từ thị trường toàn cầu và biến động địa chính trị, châu Âu sẽ cần tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại năng lượng bền vững để vượt qua mùa đông đầy thử thách này.