A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cầu nối giúp dân thoát nghèo

Những năm qua, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của nhân dân các dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc huyện Phù Yên (Sơn La) đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tuyên truyền, thực hiện những cách làm hay, hiệu quả giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo bền vững.

Làm giàu cho mình và giúp dân

Ông Bàn Văn Dương, người dân tộc Dao ở bản Dinh, xã Mường Bang (Phù Yên) là một trong những đảng viên, người có uy tín tiêu biểu ở địa phương. Ông Dương chia sẻ: “Nơi tôi sinh sống phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con đa số không biết tính toán làm ăn, lại thêm ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất hoang hóa, bạc màu, thiếu vốn sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn”. Từ năm 2014, vợ chồng ông Dương đã bàn với nhau phải xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa giúp đỡ bà con. Nói là làm, ngoài một con bò được Nhà nước hỗ trợ trong chương trình giảm nghèo, ông Dương mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách và người thân mua 2 cặp trâu, bò và 1 cặp ngựa sinh sản.

Lãnh đạo Huyện ủy Phù Yên trao quà tặng người uy tín tiêu biểu năm 2022. 

Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, đến nay gia đình ông Dương có hơn 20 con trâu, bò, ngựa, trong đó 8 cặp sinh sản, ngoài ra đã bán hơn 100 con giống cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Hằng năm gia đình ông Dương thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Ông Dương còn giúp 12 hộ nghèo và cận nghèo của bản Dinh mua giống trả góp, đến nay các hộ đều đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam huyện Phù Yên, người có uy tín của huyện là lực lượng có vai trò, vị trí quan trọng trong tham gia vận động hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Gia đình ông Bàn Văn Chiu ở bản Suối Kếnh, xã Kim Bon là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Phấn khởi khi được trao tặng ngôi "Nhà đại đoàn kết" năm 2022, ông Chiu tâm sự: “Do cuộc sống khó khăn, lại ốm đau liên miên nên vợ chồng tôi không có tiền để xây dựng nhà ở. Nay được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng "Nhà đại đoàn kết" giúp gia đình có nơi ở kiên cố trong mùa mưa bão. Tôi mừng lắm, chỉ mong sao tất cả hộ nghèo còn lại trên địa bàn huyện cũng sẽ được quan tâm, hỗ trợ xây nhà ở để ổn định cuộc sống”.

Người uy tín gương mẫu, đi đầu

Phù Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, có 27 xã, thị trấn, 215 bản, tiểu khu; dân số hơn 130.000 người, trong đó 88% là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có khá nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng những năm gần đây đời sống nhân dân có nhiều thay đổi, nhiều mô hình kinh tế dần sinh sôi nảy nở. Trên những ruộng nương bỏ hoang, những “cánh rừng chết” là mầm xanh của các loại cây dược liệu, cây ăn quả đang hồi sinh. Đóng góp vào bức tranh tươi sáng ấy có công sức của người có uy tín trên địa bàn.

Đồng chí Cầm Văn Tân, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Yên cho biết: “Toàn huyện có 204 người có uy tín. Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Phù Yên có nhiều đóng góp trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không mê tín dị đoan, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ người có uy tín mà rất nhiều hộ dân ở địa bàn huyện từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu”.

Ngoài trồng rừng và các loại cây ăn quả, cây dược liệu, người dân trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế như trồng cây gai xanh, mở rộng trang trại chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng lúa hữu cơ, sản xuất các sản phẩm may mặc thổ cẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, huyện Phù Yên được công nhận thoát nghèo. Hết năm 2021, toàn huyện có 9/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặc dù đã thoát nghèo nhưng hộ nghèo toàn huyện năm 2022 vẫn còn 19,74% (theo tiêu chí mới). Huyện Phù Yên phấn đấu đến năm 2025 số hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Để đạt được mục tiêu này, huyện Phù Yên đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, chương trình tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân, mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Ngày 12-10 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Yên đã phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, xã, bản, nhất là vai trò của các trưởng bản, trưởng tiểu khu, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu, đi đầu và tham gia vận động nhân dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Qua đó đã huy động sự vào cuộc của toàn xã hội chung tay giúp dân thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.


Tags: Cầu nối
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết