Việt Nam: Thị trường hấp dẫn, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tốc độ tăng trưởng nhanh trở lại cùng các biện pháp hồi phục kinh tế cũng như phòng, chống đại dịch Covid-19 đúng đắn, hiệu quả, Việt Nam tiếp tục là thị trường hấp dẫn với giới kinh doanh quốc tế, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam hiện đang trở thành cơ sở cung cấp dịch vụ cho các công ty quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời là nơi đầu tư phát triển một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp |
Thành quả từ sự phục hồi kinh tế nhanh
Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến mới đây, hơn 120 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã đánh giá cao sự phục hồi và triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 cũng như trung hạn. Triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đúng đắn, hiệu quả cũng như các giải pháp để phục hồi kinh tế như chiến dịch thần tốc tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 và các gói kích thích kinh tế.
Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I. Theo đó, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Đáng chú ý, ông Tim Leelahaphan cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Những đánh giá, nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng được nhiều tổ chức lớn cũng giới chuyên môn đưa ra thời gian gần đây. Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so cùng kỳ năm trước lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ khi đại dịch bắt đầu; Cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư.
Theo WB, các chỉ số di chuyển chính của kinh tế Việt Nam đều tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine đã vượt mức 73% dân số. Định chế tài chính hàng đầu thế giới này cũng đánh giá cao các biện pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ Việt Nam khi cho rằng, trong tháng 1-2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 được ban hành, trong đó các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách có tổng quy mô tương đương khoảng 4,5% GDP.
Tạp chí Business Times xuất bản tại Singapore dự báo, trong năm Nhâm Dần 2022, Việt Nam sẽ khẳng định vị thế “Con hổ mới của châu Á” và đạt được những thành công vượt bậc. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động và phát triển nhất ở Đông Nam Á. Việt Nam đang phục hồi sau tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 và quá trình này sẽ tăng tốc vào năm 2022. Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng hàng đầu Singapore DBS dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2022 là 8%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay, Việt Nam sẽ vươn lên thứ 3 trong ASEAN về GDP, sau Indonesia và Thái Lan.
Điểm đến của dòng vốn FDI
Triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam là một nhân tố thu hút mạnh với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực cũng như thế giới. Tại cuộc tọa đàm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee nêu rõ, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây cho thấy các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tạp chí chuyên về vấn đề kinh tế Business Times nhận định, một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam là việc thu hút vốn FDI đáng kể. Việt Nam hiện đang trở thành cơ sở cung cấp dịch vụ cho các công ty quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời là nơi đầu tư phát triển một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp.
Một bài viết đăng trên trang ETF Trends của Mỹ hồi đầu tháng 2 này cho rằng, đại dịch Covid-19 tác động nhiều đến các thị trường mới nổi, song một số quốc gia có khả năng ứng phó nhanh chóng đã làm giảm thiểu những tác động kinh tế của dịch bệnh và Việt Nam là một ví dụ điển hình nhờ phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của Chính phủ. Theo đó, các thị trường như Việt Nam đem đến cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho các nhà đầu tư và việc đầu tư vào thị trường mới nổi.
Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới khi vốn FDI đổ vào là nhân tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế. Với việc các dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD ngay những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.
Ngoài “gã khổng lồ” Samsung, Nokia hay Intel, vừa qua hàng loạt dự án sản xuất được công bố của các tập đoàn lớn hay được ủy quyền như Foxconn, Pegatron (chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện cho Apple), Wistron, LEGO cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Nike tại Việt Nam cho rằng, với chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh và độ phủ vaccine phòng Covid-19 cao tại Việt Nam, Nike đặt niềm tin và lạc quan với chuỗi cung ứng không còn bị đứt đoạn.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam năm 2021 đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và mức kỷ lục này trở thành “kỳ tích xuất khẩu” của nhóm sản phẩm này từ trước đến nay của Việt Nam. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm di động thông minh sản xuất tại các nhà máy Samsung ở Việt Nam đang được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ lệ hàng hóa điện thoại “Made in Vietnam” ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh điện thoại, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu lớn nhất của Nike khi sản lượng sản xuất tại Việt Nam năm 2021 đã chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng này.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam đang tạo môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Cùng với đó, những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, chính trị ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút FDI.