Tổng kết thị trường tiền điện tử năm 2022: ‘Thảm họa’ LUNA, FTX, Bitcoin giảm 64%, hiệu ứng domino phá sản của các công ty tiền điện tử lớn
Năm 2022 là một năm tàn khốc đối với tài sản kỹ thuật số khi lãi suất tăng, các công ty tiền điện tử lớn phá sản dẫn đến nhiều đợt bán tháo trên thị trường. Các nhà đầu tư càng ngày càng mất niềm tin vào loại tiền này.
Theo BI, năm 2022 là một năm tàn khốc đối với tài sản kỹ thuật số, khi lãi suất tăng và các vụ phá sản nổi tiếng đã tạo ra một đợt bán tháo sâu và rộng trên thị trường.
Giá tiền điện tử giảm mạnh khi các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về việc tăng lãi suất
Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã mạnh tay tăng lãi suất với nỗ lực kiềm chế lạm phát, tăng từ mức gần 0% vào tháng 3 lên khoảng 4,5% sau 9 tháng. Khi lãi suất tăng, tài khoản tiết kiệm mang lại lợi suất cao hơn – nghĩa là việc nắm giữ tiền mặt trở nên hấp dẫn hơn so với đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu, bất động sản và tiền điện tử.
Giá tài sản kỹ thuật số bắt đầu sụt giảm vào tháng 1, khi các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về việc Fed có lập trường cứng rắn hơn đối với lạm phát. Chỉ trong tháng đó, Bitcoin đã giảm 19% và đồng Ethereum giảm 29%.
“Tài sản tiền điện tử đã trải qua một trong những năm tồi tệ nhất vào năm 2022. Các ngân hàng trung ương phải vật lộn với lạm phát tăng vọt, dẫn đến việc tăng lãi suất và kỳ vọng tăng trưởng giảm đi. Tất cả những điều này khiến ngành tiền số chịu tổn thất đáng kể”, một nhóm chiến lược gia của UBS cho biết.
Các suất quảng cáo giữa giờ của Super Bowl được thống trị bởi Coinbase và FTX
Khi tài sản kỹ thuật số tăng mạnh vào năm 2021, các sàn giao dịch tiền điện tử lớn đã chi hàng triệu USD cho việc quảng cáo và tài trợ các sự kiện thể thao lớn để xây dựng nhận thức về thương hiệu của mình. Tháng 2/2022, Coinbase, FTX và Crypto.com đã giành được các vị trí quảng cáo giữa giờ trên chương trình phát sóng trận tranh siêu cúp bóng bầu dục ở Mỹ Super Bowl LVI của NBC.
Quảng cáo của Coinbase chỉ đơn giản có một mã QR xuất hiện trong 60 giây và quà tặng bitcoin trị giá 15 USD đã khiến mọi người đổ xô đến nền tảng của nó. Trong khi đó, Crypto.com đã hợp tác với ngôi sao NBA LeBron James và FTX hợp tác với diễn viên hài nổi tiếng Larry David.
Tuy nhiên, những công ty này đều cắt giảm chi tiêu quảng cáo khi phải đối mặt với đợt bán tháo khốc liệt trên thị trường năm nay.
Stablecoin TerraUSD trượt khỏi mức 1 USD, giá trị đồng LUNA về 0
TerraUSD (UST) là stablecoin, một loại tiền điện tử được định giá ở mức cố định 1 USD. Stablecoin đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn ngay khi thị trường đang manh nha hoặc đã xuất hiện những biến động nhất định.
Nhưng vào ngày 7/5, các nhà đầu tư tiền điện tử đã bán ra khoảng 2 tỷ USD đồng UST. Giá của UST đột ngột giảm mạnh, chỉ trong vài ngày, đồng tiền này chỉ còn giá 0,1 USD.
Thay vì dự trữ USD, Terra duy trì tỷ giá cố định của UST với đồng đô la thông qua một thuật toán. Phần mềm này đã hỗ trợ giá trị của stablecoin bằng cách tạo ra và bán một lượng nhỏ đồng LUNA nếu UST trượt khỏi mức 1 USD.
Khi UST gặp sự cố, thuật toán đã hoạt động quá mức và tạo ra quá nhiều đồng LUNA khiến giá trị giảm từ mức cao nhất 119,51 USD về 0 chỉ trong vài ngày. Theo Chainalysis, thảm họa này đã gây ra khoản lỗ 20,5 tỷ USD cho các nhà đầu tư chỉ trong 1 tuần.
“Ngân hàng” Celsius phá sản, đóng băng tài khoản của khách hàng sau khi hứa sẽ không hành động giống ngân hàng
Vào tháng 6, công ty cho vay tiền điện tử Celsius cho biết họ sẽ đóng băng tất cả các khoản rút tiền của khách hàng với lý do công ty đang phải đối mặt với nhiều vấn đề vì "điều kiện thị trường khắc nghiệt".
Bitcoin đã giảm 15% xuống dưới 23.000 USD sau thông báo đó, trong khi token cel của công ty mất 1/3 giá trị, còn 0,21 USD.
Nhà sáng lập Celsius, Alex Mashinsky đã nhiều lần nói với truyền thông rằng ông “ghét ngân hàng” – nhưng công ty của ông lại khóa tài khoản của khách hàng trong thời điểm thị trường biến động.
Vào tháng 10/2021, CEO Alex Mashinsky nói rằng công ty cho vay tiền số này đang quản lý 25 tỷ USD giá trị tài sản. Thậm chí đến tháng 5/2022, mặc dù giá các tài sản kỹ thuật số sụt giảm mạnh, công ty này vẫn cho biết đang quản lý khoảng 11,8 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, Celsius chỉ còn 167 triệu USD trong tay.
Ngày 13/7, Celsius nộp đơn xin phá sản tại New York, chỉ 2 tuần sau “thảm họa” LUNA.
Lần đầu tiên Bitcoin xuống dưới 20.000 USD kể từ năm 2020
Vào tháng 6, Bitcoin lần đầu tiên giảm xuống dưới 20.000 USD kể từ năm 2020, làm tăng khoản lỗ trong năm lên hơn 60%. Các nhà đầu tư coi 20.000 USD là mức tâm lý quan trọng đối với Bitcoin. Mốc này được coi là dấu hiệu về hướng đi của đồng tiền này. Cũng vào cuối tháng 6, đồng ethereum chỉ dao động trên 1.000 USD.
Năm 2017 là năm Bitcoin có giá cao nhất, ghi nhận mốc cao kỷ lục. Tuy nhiên, năm 2018, một loạt sự cố xảy ra khiến giá của Bitcoin giảm xuống chỉ còn 4.000 USD.
Three Arrows Capital (3AC): Sự sụp đổ của quỹ đầu cơ tiền số 10 tỷ USD
3AC được thành lập năm 2012 có trụ sở tại Singapore, nổi lên với nhiều thương vụ đầu tư giá trị lớn vào tài sản kỹ thuật số. Tháng 6/2022, 3AC cũng đã nộp đơn xin phá sản do không có khả năng thanh toán nợ.
Sự sụp đổ của 3AC kéo theo Voyager Digital, có trụ sở tại Canada. Công ty này đã ngừng hoạt động sau khi 3AC vỡ nợ với khoản vay trị giá hơn 650 triệu USD. Khách hàng của quỹ, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư thông thường, đã bị đóng băng tài khoản và không thể lấy lại toàn bộ tài sản.
Theo Chainalysis, sự sụp đổ của Celsius và 3AC đã xóa sạch tổng cộng 33 tỷ USD giá trị của thị trường tiền điện tử. ‘Hiệu ứng domino’ đã lan rộng khắp ngành, Voyager cũng phải nộp đơn xin phá sản vài tuần sau đó và công ty thương mại Genesis đã phải chịu khoản lỗ hàng trăm triệu USD vì đã cho 3AC vay tiền điện tử.
Sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới phá sản do không đủ khả năng thanh khoản
Theo BI, vào tháng 11, giá của FTT, token của sàn FTX, giảm từ 22 USD xuống còn 1 USD chỉ trong vài ngày và gây ra một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán tại FTX. Sàn giao dịch này buộc phải đơn xin phá sản theo Chương 11 vào ngày 17/11, sau khi Binance quyết định rút khỏi thỏa thuận "giải cứu" FTX.
CEO mới của FTX là John Ray III cho biết ông chưa từng thấy một công ty nào có tình trạng tồi tệ như FTX trong 40 năm làm việc của mình. Hồ sơ tòa án tiết lộ rằng FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất gần 3,1 tỷ USD và tổng số nợ phải trả ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD.
Cựu CEO FTX bị bắt với cáo buộc rửa tiền và lừa đảo
Theo CNBC, Sam Bankman-Fried, người sáng lập của FTX, đã bị chính quyền Bahamas bắt giữ vào ngày 12/12. Việc bắt giữ này được thực hiện sau khi đoàn luật sư Mỹ tòa án Southern District of New York (SDNY) chia sẻ một bản cáo trạng được niêm phong với chính phủ Bahamas, tạo tiền đề cho việc dẫn độ và xét xử tỷ phú tiền điện tử một thời sẽ diễn ra tại Mỹ.
Các công tố viên cho biết Sam phải đối mặt với mức án tối đa là 115 năm tù nếu bị kết án với cả 8 tội danh, dù mỗi bản án sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Binance cố gắng trấn an khách hàng sau ‘thảm họa’ FTX - các nhà đầu tư rút 6 tỷ USD ra khỏi sàn giao dịch
Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, Binance đang bị giám sát chặt chẽ sau sự sụp đổ của đối thủ FTX. Số tiền rút ra của sàn đã đạt 6 tỷ USD trong vào 72 giờ trong tháng 12. Đã có những lo ngại rằng nền tảng này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản vì token Binance gốc đang bị bán tháo mạnh.
Binance đã có động thái trấn an những nghi ngờ này bằng cách thuê công ty kế toán Mazars của Pháp thực hiện kiểm toán bằng chứng dự trữ cho các khoản tiền điện tử của mình. Tuy nhiên, theo Reuters, hồ sơ tài chính của Binance giống như một "hộp đen" vì các thông tin về tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và lượng dự trữ tiền mặt không hề được công khai.
CEO CZ chia sẻ vào tháng 6 rằng tổng giá trị giao dịch trên sàn trong năm 2021 đạt 34.000 tỷ USD. Ông cho biết thêm 90% doanh thu của Binance phụ thuộc vào giao dịch tiền điện tử. Ông nói thêm rằng công ty đang có lãi và có "kho dự trữ tiền mặt khá lớn".
Tham khảo: BI