A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng

Sáng 22-12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI nhấn mạnh, chỉ khi kiến tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, chúng ta mới có thể huy động và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của khối doanh nghiệp tư nhân, tránh thất thoát lãng phí, từ đó doanh nghiệp có thể đặt niềm tin và tập trung nguồn lực cho sản xuất-kinh doanh, đầu tư dài hạn, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương và quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

VCCI đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng.

Quang cảnh Hội thảo Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam. 

Theo đó, VCCI đã nỗ lực xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; xây dựng được mối quan hệ hợp tác, gắn kết với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong triển khai các hoạt động thúc đẩy thực hiện phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, kết quả điều tra Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện đã cho thấy rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng trong những năm gần đây đã đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nói chung trong điều tra PCI 2021 giảm xuống mức 41,4%, so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian khi mà tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn gấp đôi so với năm 2016. Tuy nhiên, không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều.

Để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định.


Tags: kinh doanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết