A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quảng Ninh: Chung tay gỡ "thẻ vàng" cho ngành Thủy sản

Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút "thẻ vàng" đối với ngành Thủy sản Việt Nam. Chung tay cùng các địa phương trong cả nước, quyết tâm gỡ "thẻ vàng", tỉnh Quảng Ninh đã và đang có nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ…

Article thumbnail
Tàu khai thác cá tuyến khơi neo đậu tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Ảnh: TTTT

Những năm gần đây, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững và cùng chung tay gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về phát triển thủy sản và phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU); thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cấp tỉnh…

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý, kiểm soát tàu cá, sản lượng hải sản khai thác; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản trên biển…

Sau 6 năm ban hành Chỉ thị số 18 (ngày 1/9/2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh đã xử lý gần 8.600 vụ vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản trên biển; thu phạt hơn 52 tỷ đồng; truy tố hình sự 2 trường hợp do tái phạm khai thác hải sản hủy diệt…

Đồng thời, tịch thu, tiêu hủy 39 tàu cá cùng hàng trăm ngư cụ, dụng cụ khai thác bất hợp pháp (kích điện, chã cào, chã ván, lồng bát quái…); di dời, phá dỡ 14 bè mảng, 4 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trái phép; tổ chức ngăn chặn, xua đuổi gần 500 phương tiện tàu cá của ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép. 

Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2023, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 317 vụ; thu nộp ngân sách gần 4,3 tỷ đồng. Trong đó, có 11 vụ vi phạm về khai thác IUU (4 vụ vi phạm vùng cấm; 1 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 3 vụ vi phạm về nhật ký khai thác; 3 vụ vi phạm về kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS)).

Cùng với đó, đã ghi nhận, thống kê trên 4.100 lượt tàu cập, rời bến, sản lượng hải sản kê khai đạt trên 4.700 tấn; thực hiện cấp phát gần 2.000 quyển mẫu nhật ký, báo cáo khai thác thuỷ sản…

Với nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay, công tác chống khai thác IUU của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý; số tàu cá từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 233 tàu, đã đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 100%.

Toàn bộ 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (4.574 tàu) được cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase; tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (233 tàu) đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Từ ngày 1/9/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ mở đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm khai thác IUU theo quy định; kiên quyết xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi quy định về chống khai thác IUU. Đáng lưu ý, những chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm quy định về chống khai thác IUU sẽ xử lý hình sự.

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, xã và đơn vị chức năng có liên quan chịu trách nhiệm về kết quả triển khai giải pháp chống khai thác IUU, cũng như khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo tất cả các tàu cá phải được đăng ký, cấp giấy phép khai thác theo quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase, cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ kiểm soát tàu cá tại địa phương.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với các địa phương hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm, cập nhật dữ liệu tàu cá trên phần mềm Vnfishbase đối với 806 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên trước ngày 30/8/2023.

Đối với tàu từ 15m trở lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thiết lập liên kết thông tin quản lý tàu cá cấp tỉnh để giám sát thường xuyên tình trạng kết nối VMS của các tàu cá để kịp thời xử lý. Kịp thời cảnh báo qua điện thoại, zalo, văn bản… tàu cá mất kết nối VMS trên 10 ngày, vượt qua ranh giới vùng biển nước ngoài, thông báo cơ quan chức năng phối hợp điều tra.

Lập danh sách tàu cá không đi khai thác, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU hàng tuần để theo dõi; bắt buộc chủ tàu cá khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ có kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản tỉnh…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, hoạt động khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang được đẩy lùi. Qua đó, góp phần chung tay cùng với các địa phương trong cả nước quyết tâm gỡ “thẻ vàng” EC, tháo bỏ “vòng kim cô” đối với ngành Thủy sản Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết