A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế

Năm 2021, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường tài chính trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Trong năm 2022 và cả giai đoạn tới, để triển khai mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi nền kinh tế, các giải pháp phát triển thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng sẽ được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

TTCK tốc độ tăng trưởng cao, vượt các mục tiêu đề ra

Tiếp theo đà tăng trưởng của những năm trước, năm 2021, TTCK phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, hỗ trợ tích cực quá trình cổ phần hóa DNNN và vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Đến nay, các cấu phần thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, TTCK phái sinh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt và vượt các mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Tính đến ngày 17/12/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.658 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7% so với cuối năm 2020, tương đương 121,7% GDP. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, tăng 253,2% so với bình quân năm trước. Trong khi đó, tính đến 20/12/2021, khối lượng huy động thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 313.243 tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch huy động năm 2021 (350.000 tỷ đồng) và bằng 83,98% kế hoạch điều chỉnh (373.000 tỷ đồng); Đã phát hành 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 91,62% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Việc huy động kỳ hạn dài góp phần đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ TPCP. Lãi suất phát hành TPCP đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ. Đặc biệt, lãi suất phát hành trong năm 2021 có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, trung bình giảm từ 0,11-0,46%/năm so với thời điểm cuối năm 2020, qua đó tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước.

Tính đến cuối tháng 11/2021, các DN phát hành 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020. Với việc phát hành TPDN riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng trong 11 tháng, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ tính đến cuối tháng 11/2021 tương đương 20,4%GDP năm 2020, tăng 27,5% so với cuối năm 2020. Các tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất, chiếm 34,5% tổng khối lượng phát hành, các DN bất động sản phát hành chiếm 27,8%... 

Trong khi đó, dù mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 với 2 sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (4 mã hợp đồng); Hợp đồng tương lai TPCP 5 năm (3 mã hợp đồng), đến nay, TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng tốt và ổn định. Tính từ đầu năm 2021 đến hết cuối tháng 11/2021, khối lượng giao dịch bình quân phiên của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tăng 23% so với bình quân năm trước.

Việc tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường, trong đó có việc thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả hoạt động, nâng cao vị thế và quy mô cạnh tranh của thị trường quốc gia so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh và đang phát huy hiệu quả. Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn được tiếp tục triển khai, đã làm giảm số lượng công ty hoạt động yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động công ty hiện có. Các công ty quản lý quỹ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc cổ đông thông qua việc chuyển dịch từ các cổ đông cá nhân sang các cổ đông là các tổ chức tài chính lớn trong nước và quốc tế, có tình hình tài chính lành mạnh và năng lực trong công tác quản trị công ty... Năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi cũng được tăng cường thông qua việc củng cố và hoàn thiện không ngừng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK, nổi bật là ban hành Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 năm 2019, hệ thống Nghị định và thông tư hướng dẫn Luật.

Đặc biệt, TTCK ngày càng thu hút các nhà đầu tư tham gia với số lượng tài khoản nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân) trong nước đến hết tháng 11/2021 đạt 4,08 triệu tài khoản tăng 47,3% so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy, TTCK ngày càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đầu tư, qua đó góp phần tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định, bền vững, công khai, minh bạch của thị trường này trong thời gian tới.

Đồng bộ giải pháp phát triển TTCK giai đoạn tới

Để triển khai mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, hỗ trợ các DN huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các giải pháp phát triển thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng sẽ tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính cho biết, sẽ chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm:

Về hoàn thiện công tác tổ chức thị trường, sẽ tổ chức sắp xếp lại các thị trường bộ phận, gồm: (i) Đối với thị trường cổ phiếu, nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn DNNN gắn với niêm yết trên TTCK; tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng thao túng, làm giá; (ii) Phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các DN; (iii) Thúc đẩy phát triển TTCK phái sinh phù hợp với nhu cầu và mức độ phát triển của thị trường; (iv) Phát triển thị trường TPCP trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và tái cơ cấu danh mục nợ TPCP để tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững (v) Tập trung triển khai các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo TTCK hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Thứ hai, phát triển nguồn cung trên thị trường trái phiếu. Theo đó, đối với thị trường TPCP, để đảm bảo huy động vốn cho ngân sách triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và cho Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành TPCP để huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đồng thời nghiên cứu, đa dạng sản phẩm phát hành, xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước; thiết lập đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính với đầy đủ các kỳ hạn. Nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư.

Đối với thị trường TPDN, khuyến khích các DN đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng; xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các DN vừa thu hút thêm các nhà đầu tư; Phát triển các sản phẩm TPDN dự án PPP, trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thị trường và tăng cường minh bạch, hiệu quả hoạt động thị trường, triển khai thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán và nâng cấp chuyên trang thông tin về TPDN. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường thứ cấp TPDN phát hành ra công chúng để thúc đẩy các DN phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên TTCK.

Thứ tư, tích cực triển khai tái cấu trúc TTCK. Theo đó, công tác tái cấu trúc TTCK tiếp tục được thực hiện theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường. Cụ thể, sắp xếp, tái cấu trúc hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 theo hướng chuyên môn hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí xã hội. Khuyến khích các công ty chứng khoán mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, đa dạng và tăng cường hiệu quả dịch vụ. Nâng cao chất lượng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, xây dựng thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư TPDN...

Thứ năm, phát triển nhà đầu tư. Theo đó, thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ hưu trí tự nguyện, các loại hình quỹ đầu tư...; đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường. Khuyến khích sự tham gia dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách về thuế, phí, quản lý ngoại hối; thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong nước và quốc tế có nhu cầu đầu tư các sản phẩm tài chính bền vững.

Thứ sáu, phát triển thị trường vốn xanh và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động của thị trường thông qua việc phát triển thị trường trái phiếu xanh (TPCP xanh, TPDN xanh...) để huy động vốn cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, triển khai chỉ số xanh tại Sở giao dịch chứng khoán; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường...

Thứ bảy, tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế. Theo đó, tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế về nâng hạng TTCK trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn để trao đổi và đề xuất các giải pháp phù hợp nâng hạng TTCK Việt Nam. 

Thứ tám, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK. Theo đó, công tác thanh, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn... sẽ được tăng cường và triển khai quyết liệt nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch. Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ đối với các DN bất động sản, DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản đảm bảo; Giám sát hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán trên thị trường TPDN...

Thứ chín, để hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, rà soát, lập kế hoạch các dự án triển khai khả thi để sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành và quản lý giám sát thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết