A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ông Andy Ho: Làn sóng thanh lý hàng tồn kho của các “cường quốc” sẽ kết thúc vào cuối năm 2023, đây là thời điểm quan trọng để đầu tư vào logistics

Ông Andy Ho – Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital – cho biết: “Bản chất quy mô nhỏ và rời rạc của ngành logistics và vận tải mang đến cơ hội cho sự hợp tác của A.P. Moller Capital và VinaCapital”.

 

Ông Andy Ho: Làn sóng thanh lý hàng tồn kho của các “cường quốc” sẽ kết thúc vào cuối năm 2023, đây là thời điểm quan trọng để đầu tư vào logistics - Ảnh 1.

Tập đoàn quản lý tài sản VinaCapital và A.P. Moller Capital vừa “bắt tay” phát triển nền tảng chung để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng vận tải và hậu cần (logistics) ở Việt Nam. Trong đó, A.P. Moller Capital được biết đến là một thành viên của A.P. Moller Group, chịu sự quản lý của Cơ quan Giám sát Tài chính Đan Mạch.

A.P. Moller Capital được thành lập để quản lý các quỹ đầu tư thay thế độc lập tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng tại các thị trường tăng trưởng cao.

Quan hệ hợp tác này được đại diện bởi một quỹ đầu tư do A.P. Moller Capital nắm phần lớn cổ phần, mục đích xây dựng và mở rộng danh mục tài sản. Về phía VinaCapital, đơn vị đã có 20 năm hoạt động đầu tư trong mảng logistics tại Việt Nam với các khoản đầu tư vào Gemadept, Transimex, cũng như mảng kho bãi và khu công nghiệp.

Chia sẻ với chúng tôi về hợp tác này, ông Andy Ho – Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital – cho biết: Mặc dù các hoạt động đầu tư quan trọng đã được thực hiện trong những năm qua để phát triển cơ sở hạ tầng và ngành vận tải biển của Việt Nam nhưng thực tế vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và tăng trưởng. Bản chất quy mô nhỏ và rời rạc của ngành logistics và vận tải mang đến cơ hội cho sự hợp tác của A.P. Moller Capital và VinaCapital”.

Hiện, VinaCapital nhận thấy sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu là một mối lo ngại trong ngắn hạn và phản ánh những điểm yếu trong chu kỳ kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, trở ngại này không tác động đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, do đó ngành logistics và vận tải vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ.

“Các báo cáo cho thấy hiện tượng thanh lý hàng tồn kho đang diễn ra ở các thị trường phát triển. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ kết thúc vào cuối năm nay và Việt Nam đang ở ví trí thuận lợi để tận dụng sự phục hồi hoặc bình thường hóa khối lượng hàng hóa thương mại. Đây là thời điểm quan trọng để đầu tư vào lĩnh vực vận tải và logistics”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, có những tín hiệu cho thấy Chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho ngành, ví dụ như đề xuất tăng phí xử lý cho các nhà khai thác cảng (dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2024) sẽ là một động lực tích cực đối với lợi nhuận của ngành.

Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho FDI trong dài hạn. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ đã tăng 50% so với cùng kỳ trong năm 2023, lên khoảng 30 tỷ USD. Mặc dù mức giải ngân thực tế có thể chỉ đạt 65-70% ngân sách của năm, nhưng đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải tương đương 4,8% GDP (giả định rằng 20 tỷ USD được chi cho cơ sở hạ tầng so với GDP là 420 tỷ USD).

Cơ sở hạ tầng được cải thiện làm tăng sức hấp dẫn của ngành logistics về hiệu quả và lợi nhuận. Đối với bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào, cơ sở hạ tầng luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với lô trình phát triển. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho đến nay mới chỉ đạt 15% trong tổng ngân sách được phân bổ cho năm nay (tương đương 3,0% GDP), vì thế việc tăng tốc đầu tư công sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2023.

“Đặc biệt, việc cho phép nâng cao tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số doanh nghiệp vận tải và logistics sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư và giúp tạo ra những doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh, từ đó có thể cạnh tranh và thành công trên thị trường khu vực và toàn cầu”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.

Về ngành, với dân số gần 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định hơn 5% cùng môi trường pháp lý đầu tư ổn định, Việt Nam có cơ hội tăng trưởng cao trong lĩnh vực vận tải và hậu cần.

Việt Nam dưới quan điểm VinaCapital cũng có nhiều lợi thế đặc thù góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của quốc gia, bao gồm đường bờ biển trải dài liên tục; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng ổn định; nền tảng cơ sở sản xuất vững chắc và nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng (do thu nhập tăng, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa cao).

Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4-5%. Bên cạnh đó, e-Logistics (logistics điện tử) đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết