A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Gia tăng thị phần hàng Việt tại thị trường CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng ấn tượng sau 5 năm, song tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Để chiếm lĩnh thị trường này, việc cần làm là kết nối sâu vào chuỗi cung ứng khu vực CPTPP, giảm chi phí logistics và sớm ra đời trung tâm nguyên phụ liệu.

xuat-khau.jpg

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Xuất khẩu sang CPTPP khởi sắc

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tới thị trường khối CPTPP đạt 4,56 tỷ USD, tăng 4,3% so cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 15,88%. Các thị trường chính như Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico, New Zealand đều cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, Mexico và New Zealand có mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 26,92% và 26,14%.

“CPTPP không chỉ giúp chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn thúc đẩy ngành Dệt may cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Tương tự ngành Dệt may, những năm qua, thị trường các nước CPTPP cũng chiếm tỷ trọng xuất khẩu khá lớn của ngành thủy sản Việt Nam.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam thông tin, quy mô xuất khẩu của ngành là 10 tỷ USD thì thị trường CPTPP đạt 2,0-2,5 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng hơn 20% so với năm 2021, trong đó khối CPTPP tăng 30,6%. Năm 2023, do lạm phát nên xuất khẩu sang đa số thị trường đều sụt giảm mạnh ở mức hơn 20%; nhưng khối CPTPP chỉ giảm 16,4%. Những con số này cho thấy, CPTPP là thị trường quan trọng, là trợ lực lớn của ngành thủy sản với nhiều cơ hội, dư địa phát triển.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ tăng 56,3%; từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên 13,6 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD vào năm 2023; xuất siêu cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD.

Đáng chú ý, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mexico, Canada có sự tăng trưởng ấn tượng kể từ khi thực thi CPTPP. Việt Nam là đối tác thứ 10 của Mexico, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua. Mexico là khách hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Mỹ La tinh với 97% thương mại song phương là hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tương tự, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 35% thị phần tại Canada, là một trong 10 khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của Việt Nam nhờ CPTPP.

Gia tăng thị phần hàng Việt

Tuy hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường các nước CPTPP, song theo các chuyên gia, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Việt Nam còn thấp, chủ yếu xuất dưới dạng thô, chưa chú trọng tới thương hiệu và chiếm thị phần khiêm tốn.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, quá trình thực thi CPTPP cho thấy, dư địa để tăng trưởng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước CPTPP còn rất lớn. Nhằm tạo ra không gian hợp tác mới, các nước thành viên CPTPP đang rà soát tổng thể việc thực thi hiệp định này. Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP vừa qua và nhiều nền kinh tế khác cũng đang xin gia nhập sẽ tạo thêm cơ hội phát triển hợp tác.

Châu Mỹ là thị trường rộng lớn và liên kết chặt chẽ thông qua các cam kết thương mại từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh Thái Bình Dương… Các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét việc kinh doanh và đầu tư sản xuất tại các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru...

Để khắc phục vấn đề khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí gia tăng, ông Ngô Chung Khanh đề xuất, cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, cơ chế hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Mỹ; xây dựng kết nối doanh nghiệp Việt với các nước, đồng thời tiếp tục tăng cường định hướng xuất khẩu xác định lĩnh vực trọng tâm...

Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng, cần sớm xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu trong nước, tăng cường kết nối để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các nước thành viên CPTPP.

Về phía ngành Dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP. Để tận dụng tốt hơn những ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh xuất khẩu sang CPTPP, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, tối ưu hóa hơn nữa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng các ưu đãi, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội xây dựng chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành hàng, tìm giải pháp giảm chi phí logistics; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác quốc tế...

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết