‘Soi’ giá đất khu vực lãnh đạo TP Hạ Long đề xuất thu hồi khiến hàng ngàn hộ dân bất an
Giá đất ở vị trí UBND TP Hạ Long “hai lần đề xuất thu hồi cùng một nội dung đi ngược lòng dân” mà Ngày Nay liên tiếp thông tin thời gian qua đang sốt nóng, vị trí trung tâm lên tới trên 160 triệu đồng/ m2.
Giá đất tăng nóng càng khiến người dân vô cùng bất an và bức xúc trước đề xuất thu hồi 58ha đất khu vực cầu Cửa Lục 1 của UBND TP Hạ Long.
Giá tăng phi mã, người dân tuyên bố “quyết tử giữ đất”
Trong vai người cần mua đất xây khách sạn tại khu vực cầu Tình Yêu, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, phóng viên Ngày Nay được nhân viên môi giới nhà đất tên M dẫn đi xem các lô đất người dân đang rao bán. Nhân viên này cho biết, sau khi tuyến đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn chạy qua phường Giếng Đáy, nhà đất khu vực này đã tăng khá mạnh. Nếu như, cách đây khoảng 2 năm, giá đất khu vực mặt đường chỉ tầm 25 triệu đồng/ m2, thì nay đã tăng lên gần 100 triệu đồng/ m2. Các vị trí đẹp có thể xây khách sạn như khu vực mặt bám đường cầu Tình Yêu lên tới 150 triệu đồng/ m2, khu vực đường 18A Giếng Đáy đang được chào bán giá 179 triệu đồng/ m2, khu vực đường 6 Giếng Đáy lên tới 180 triệu đồng/ m2. Theo nhận định của những môi giới bán đất nền khu vực này thì giá đất sẽ còn lên nữa, bất chấp thông tin UBND TP Hạ Long đang đề xuất thu hồi tới 58ha quanh khu vực nút giao cầu Cửa Lục 1, hàng ngàn hộ dân hai phường Giếng Đáy, Hà Khẩu trong diện mất đất.
Theo khảo sát của Ngày Nay, giá đất nền mặt tiền đường lớn, khu vực trung tâm Giếng Đáy, giáp cầu Tình Yêu, ngã tư Kênh Đồng, nút giao cầu Cửa Lục 1… đều đang neo ở mức trên 100 triệu đồng/ m2, ở phía trong, khu vực nút giao hoa thị, vòng xuyến dẫn lên đường cao tốc, khá xa trung tâm cũng đang ở mức 30 – 42 triệu đồng/ m2. Hai bên dọc đường cao tốc, khu vực phường Hà Khẩu giá neo ở mức 35- 40 triệu đồng/ m2. Các khu vực này đều nằm trong diện đất bị thu hồi theo đề xuất của UBND TP Hạ Long tại văn bản số 3010 /UBND ngày 21/4/2022. Tuy nhiên, người dân đang rao bán đất cũng như khiếu nại đề xuất đều bức xúc cho biết họ không đồng thuận với đề xuất của UBND TP Hạ Long, thậm chí có hộ dân còn khẳng định “sẽ quyết tử để giữ đất ông cha để lại”.
“Dân cần, quan chưa vội”?
Hàng ngàn hộ dân hai phường Giếng Đáy, Hà Khẩu đã gửi đơn khẩn cấp cầu cứu gửi tới bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký. Trong đơn, người dân cảm ơn bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Thành ủy TP Hạ Long, UBND TP Hạ Long hủy bỏ, thu hồi Công văn số 12686/BC-UBND, ngày 29/12/2021 và Công văn số 12318/UBND, ngày 20/12/2021 của UBND Thành phố Hạ Long “Về việc nghiên cứu phương án hạ cốt, cải tạo chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại cơ cấu sử dụng đất... khu vực đồi tiếp giáp nút giao hoa thị cầu Cửa Lục 1”. Đồng thời tiếp tục khẩn cầu bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký công minh xem xét động cơ phía sau đề xuất lần hai của UBND TP Hạ Long, bất chấp chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ninh: không được ra chủ trương không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, khiến lòng dân bất an, bức xúc dư luận.
Người dân cho rằng việc UBND thành phố Hạ Long hai lần đề xuất thu hồi đất đi ngược lòng dân, đi ngược chủ trương ổn định dân cư, phát triển xã hội tỉnh này đặt ra cho nhiệm kỳ 5 năm 2020-2025 là bất thường, nhất là trong bối cảnh giá đất tại TP Hạ Long đang liên tục sốt nóng, tấc đất, tấc vàng.
Tại văn bản số 3010 /UBND, lãnh đạo TP Hạ Long cho rằng, việc “tái đề xuất” thu hồi 58 ha đất tại phường Giếng Đáy, Hà Khẩu, là nhằm: thực hiện các phương án di dời, bố trí tái định cư đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho các hộ dân đang sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão năm 2022; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, tận dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện có, gắn kết chặt chẽ giữa khu vực phát triển mới và đô thị hiện có; bảo đảm sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị; hài hòa giữa các khu vực phát triển mới với các khu vực dân cư hiện có; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ, phát huy được bản sắc, không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị khu vực…theo quy định của Luật quy hoạch đô thị năm 2009 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 472-TB/TU ngày 1/4/2022.
Tuy nhiên, theo các hộ dân nằm trong diện quy hoạch nêu trên, họ đã sinh sống lâu dài, ổn định từ nhiều đời nay. Hàng năm, vào mùa bão lũ các hộ dân sinh sống tại đây vẫn ở, làm việc, sinh hoạt bình thường và an toàn. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào hay văn bản nào của cơ quan nhà nước cho thấy việc đất đai ở đây sạt lở, sụt lún nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của con người khi tới mùa bão lũ, dẫn đến việc buộc phải thu hồi. “Khu vực này vốn là đồi trống, cây cối cỏ dại hoang hoá nhưng các hộ dân chúng tôi đi theo tiếng gọi của Đảng, ủng hộ đường lối của Chính quyền về việc khai hoang đã bỏ biết bao công sức, mồi hôi nước mắt để có được nơi sinh sống ổn định như thời điểm hiện tại, chúng tôi đều đã sinh sống từ nhiều đời nay tại đây, chúng tôi khẳng định việc lấy lý do “đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho các hộ dân đang sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão năm 2022” để thu hồi đất của dân là không chính đáng”, bà Nguyễn Lê H khẳng định.
“Điều 65 Luật đất đai 2013 quy định về trường hợp thu hồi đất khi có nguy cơ đe dọa tính mạng con người và Điều 65 Nghị định 43 hướng dẫn Luật đất đai 2013 nêu rõ: việc thu hồi đất khi đất có nguy cơ sạt lở, sụt lún hay bị ảnh hưởng bởi thiên tai thì cần thiết phải có văn bản xác định mức độ sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng của thiên tai tới tính mạng, tài sản của người dân như thế nào? Dựa trên văn bản đánh giá đó của cơ quan có thẩm quyền, từ đó mới có căn cứ để xem xét có cần thiết phải thu hồi đất hay không”, luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng luật sư TAT Law Firm phân tích.
Được biết, hiện người dân ngày một bức xúc và mong chờ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, một lần nữa có những chỉ đạo hợp lòng dân, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ mới có Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bất động sản ở các địa phương. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường, kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để xảy ra trục lợi. Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập, thiếu sót, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi lợi dụng, hành vi vi phạm để trục lợi.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị Trung ương 5 khóa XIII sáng ngày 4/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước. Tổng bí thư đặt câu hỏi: Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? và yêu cầu các đại biểu đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai. Chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau... Theo Tổng Bí thư, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới.
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.
Quảng Ninh sẽ xử nghiêm cán bộ có dấu hiệu “tiếp tay” lũng đoạn thị trường bất động sản?
Ngày 15/4/2022 UBND Tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản 2360/UBND-XD5 tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản; xử lý nghiêm các cá nhân, chủ đầu tư dự án đẩy giá bất động sản lên cao, thu lời bất chính, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức có dấu hiệu “tiếp tay”, vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, quản lý thị trường bất động sản…