A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thông điệp rõ ràng nhằm răn đe những hành xử vượt giới hạn

Lại thêm một thỏa thuận an ninh và quốc phòng nữa giữa các đối tác thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục tiêu nhằm xây dựng một khu vực ổn định, tự do và cởi mở, răn đe những hành xử vượt giới hạn ở những khu vực tranh chấp.

Thông điệp rõ ràng nhằm răn đe những hành xử vượt giới hạn ảnh 1

Tàu của Australia và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ngoài khơi bờ biển Philippines

Công cụ ngăn chặn cách hành xử vượt giới hạn

Tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) cho phép quân đội hai nước hợp tác chặt chẽ trong các chiến dịch phòng thủ và nhân đạo.

Đây là hiệp định có tính lịch sử bởi nó đánh dấu lần đầu có khuôn khổ rõ ràng nhằm tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến và hợp tác giữa lực lượng của Nhật Bản và Australia. Thỏa thuận cho phép Nhật Bản và Australia triển khai binh sĩ nhanh hơn tới căn cứ của nhau, cũng như nới lỏng các hạn chế trong vận chuyển vũ khí, hậu cần phục vụ các cuộc diễn tập chung hay ứng phó thảm họa.

Nhật Bản và Australia đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận “có đi có lại” từ năm 2014, song tiến trình đàm phán kéo dài do gặp phải một số vướng mắc từ hệ thống luật pháp của Nhật Bản. Các thủ tục pháp lý phức tạp đã cản trở việc huy động và triển khai các lực lượng cũng như thiết bị quân sự trong các hoạt động tương tác giữa hai bên.

 

Tuy nhiên, những căng thẳng ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc đã thúc đẩy hai nước vượt qua những vướng mắc. Năm 2020, Nhật Bản và Australia đạt được “thỏa thuận về nguyên tắc” về RAA, mở đường cho việc ký kết chính thức RAA tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này.

Không chỉ tạo thuận lợi cho các lực lượng phòng vệ của Australia và Nhật Bản phối hợp hoạt động cùng nhau, RAA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng Nhật Bản-Australia chặt chẽ hơn, tiến lên một cấp độ mới, mở rộng đối thoại sang nhiều vấn đề, từ hợp tác công nghiệp đến chia sẻ tình báo. Thỏa thuận cũng dọn đường cho Nhật Bản và Australia tăng tần suất các cuộc tập trận chung hải quân lẫn không quân.

Nhưng quan trọng hơn hết là thông điệp chiến lược của RAA đối với khu vực. Nó cho thấy Nhật Bản và Australia sẽ hợp tác ngày một chặt chẽ nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và các giá trị dân chủ, đóng góp cho ổn định, an ninh và phát triển bền vững của khu vực. Hai nước cũng sẽ tham gia vào việc định hình môi trường khu vực, ngăn ngừa những mối đe dọa và ứng phó với đe dọa nếu cần.

Mặc dù thỏa thuận Nhật Bản-Australia không đề cập đến Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng mục đích của nó là nhằm ứng phó với một Trung Quốc ngày một cứng rắn hơn. Theo ông Malcom Davis, chuyên gia từ Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), những thỏa thuận an ninh và quốc phòng giữa các đối tác của Mỹ trong khu vực đang gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng, cho thấy họ đang bắt tay thực hiện ít nhất 3 mục tiêu. Thứ nhất, Mỹ cùng các đối tác đang chứng tỏ quyết tâm xây dựng khu vực ổn định, tự do và cởi mở. Thứ hai, mạng lưới thỏa thuận đóng vai trò công cụ răn đe Trung Quốc không hành xử vượt giới hạn ở những khu vực tranh chấp. Thứ ba, đảm bảo các nước sẵn sàng ứng phó mối đe dọa khi chúng xuất hiện.

Trước RAA, thỏa thuận quân sự duy nhất của Nhật Bản là với Mỹ, trong đó cho phép Mỹ triển khai các tàu chiến, máy bay chiến đấu và hàng nghìn quân trong và xung quanh Nhật Bản. Sau thỏa thuận an ninh với Australia, Nhật Bản dự kiến triển khai các thỏa thuận tương tự với Anh và Pháp. Tokyo đã khởi động các cuộc đàm phán với London từ tháng 10-2021. Các cuộc đàm phán không chính thức với Paris cũng bắt đầu từ tháng 12-2021.

Những liên minh nhằm đối phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thỏa thuận quân sự giữa Nhật Bản và Australia được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và hành xử ngày càng quyết liệt, thậm chí có thể gọi là “hung hăng” ở nhiều khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Để đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các liên minh tạo đối trọng ngày càng hiện rõ trong khu vực, đặc biệt là với sự tham gia của Mỹ.

Hiện Washington đứng đầu 3 liên minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc. Trước hết là liên minh “Ngũ Nhãn” (Five Eyes) gồm Mỹ, Anh, New Zealand, Canada, Australia nhằm chia sẻ thông tin tình báo. “Ngũ Nhãn” được giữ bí mật suốt hơn 5 thập kỷ và chỉ được công chúng biết đến vào tháng 6-2010, khi Anh công bố tài liệu chi tiết thỏa thuận và một số thông tin tình báo đã được chia sẻ. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc gia tăng, Quốc hội Mỹ đang xem xét khả năng mở rộng quy mô Ngũ nhãn từ 5 lên 9 thành viên, thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức.

Tiếp đó là nhóm Đối thoại an ninh tứ giác (QUAD), hay còn gọi “Bộ tứ kim cương” bao gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Ra đời năm 2007 liên quan đến các nỗ lực cứu trợ sau thảm họa sóng thần nhưng phải đến năm 2017, QUAD mới hồi sinh mạnh khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đến nay, các thành viên của QUAD ngày càng thống nhất hơn về mối lo ngại liên quan đến các hành động hung hăng của Trung Quốc ở khu vực, cũng như sẵn sàng hơn trong việc vạch ra một chương trình nghị sự hợp tác để đối phó.

Cuối cùng là Thỏa thuận hợp tác an ninh 3 bên Mỹ, Anh và Australia (AUKUS). Tuy “phủ sóng” truyền thông rằng đây là hợp tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân cho Australia nhưng thực chất AUKUS không chỉ về tàu ngầm mà là hợp tác về công nghệ quốc phòng tiên tiến, nhằm đạt được thành quả chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc.

Sự ra đời và đẩy mạnh hoạt động của AUKUS, QUAD, Five Eyes có thể là bước khởi đầu cho sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, rời khỏi châu Âu và Nga, hướng đến Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong kỷ nguyên sắp tới. Là trung tâm của 3 cơ chế hợp tác, Mỹ có cơ hội “bao vây” Trung Quốc với mạng lưới tình báo và an ninh của Five Eyes, cộng thêm năng lực quốc phòng và kinh tế mà AUKUS và QUAD phát triển trong tương lai.

Trên thực tế, các nước tham gia “Ngũ Nhãn” trong nhiều năm trở lại đây thể hiện ngày càng rõ hơn ý định giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, hay ít nhất là “tránh phụ thuộc”. Chẳng hạn, Anh loại bỏ thiết bị của Huawei, Australia cấm Huawei và ZTE khỏi mạng lưới 5G, Canada từ bỏ đàm phán tự do thương mại với Trung Quốc và lên tiếng phản đối các hành động của Bắc Kinh trên biển. Trong khi đó với AUKUS, Mỹ và Australia sẽ phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tạo sự “răn đe” đáng kể về quân sự với Trung Quốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết