Thách thức cho nền kinh tế Trung Quốc: Độc thân và ly hôn
Tỷ lệ độc thân và ly hôn tăng đang đe dọa đến nền kinh tế Trung Quốc và thách thức này chẳng dễ giải quyết khi giới trẻ mất niềm tin vào tương lai.
Chính yếu tố này đã ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc khi lực lượng lao động giảm dần, thị trường tiêu dùng bị ảnh hưởng khi thất nghiệp đi lên còn chi tiêu cho gia đình đi xuống. Đây là bài toán cực kỳ nan giải cho chính quyền Bắc Kinh khi dịch chuyển chiến lược từ phụ thuộc xuất khẩu sang tập trung vào thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng kinh tế.
Bi quan
Cô Grace Zhang là một giáo viên tại Thượng Hải muốn kết hôn, thế nhưng đại dịch diễn ra khiến bản thân cô bị cách ly 2 tháng đã ảnh hưởng khá nặng đến vị nữ giáo viên này.
Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào tháng 12/2022, cô Zhang đã quyết định rời Thượng Hải để dạy học từ xa, di chuyển qua các thành phố để mong có được cái nhìn tích cực hơn sau quãng thời gian dài giãn cách.
“Tình hình bất ổn hiện nay đang khiến ngày càng nhiều người sợ thay đổi”, cô Zhang thừa nhận.
Tờ NYT cho hay trường hợp của cô Zhang không hề cá biết khi số lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã giảm năm thứ 9 liên tiếp, xuống chỉ còn một nửa so với 10 năm trước đây. Năm 2022, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này chỉ có 6,8 triệu cặp đôi kết hôn, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1986 và thấp hơn tới 13,5 triệu cặp đôi so với năm 2013.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, số vụ đăng ký kết hôn đã tăng trở lại sau quãng thời gian giãn cách chống dịch nhưng số vụ ly hôn còn tăng nhiều hơn thế. Số liệu chính thức cho thấy trong quý I/2023, số cặp đôi kết hôn tăng hơn 40.000 so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số gia đình ly hôn lại tăng đến 127.000 trường hợp.
Các cuộc khảo sát cho thấy giới trẻ Trung Quốc cảm thấy áp lực khi chi phí kết hôn, nuôi con đang ngày một lớn trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức. Việc phụ nữ Trung Quốc ngày càng tự chủ được về mặt tài chính tại các thành phố lớn khiến kết hôn trở thành điều không quá áp lực và có tiêu chuẩn cao hơn. Đổi lại, cánh đàn ông nước này thì bị gò bó bởi tiêu chuẩn phải có nhà, xe hơi trước khi có thể hẹn hò với ai đó.
“Nếu giới trẻ không có niềm tin vào tương lai thì rất khó để họ ổn định lại và kết hôn”, chuyên gia Xiujian Peng của trường đại học Victoria University-Australia nhận định.
Năm 2022, dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên kể từ nạn đói đầu thập niên 1960.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, chính quyền Bắc Kinh đã thi hành một loạt chính sách như phát động các phong trào hẹn hò tiến tới hôn nhân, thậm chí chủ trì những sự kiện “xem mắt”.
Thế nhưng theo NYT, câu chuyện chống độc thân của nền kinh tế Trung Quốc không hề dễ giải quyết chút nào.
Canh bạc cuộc đời
Cô Xu Bingqian là một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường và dự định du học ở Tây Ban Nha. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã làm phá sản mọi kế hoạch. Hiện cô Xu đang làm việc cho một hiệu sách ở Qingdao và khá thất vọng về tương lai khi kế hoạch du học của mình đổ bể. Bởi vậy việc kiếm một bạn trai hay lập gia đình trở thành điều không đáng nghĩ đến.
“Tôi không chắc liệu bạn trai tương lai của tôi là người đàn ông tốt hay xấu. Bởi vậy tôi không muốn điều không chắc chắn đó bước vào cuộc đời mình”, cô Xu thú nhận.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, rất nhiều bài đăng về hôn nhân gia đình thu hút được sự chú ý, đặc biệt là những bình luận cho rằng các chính sách bảo vệ phụ nữ hậu ly hôn cũng như tránh khỏi bạo lực gia đình là chưa thỏa đáng, qua đó khiến nhiều nữ giới e ngại kết hôn.
Số liệu của giáo sư Wang Feng thuộc trường đại học California cho thấy tỷ lệ chưa kết hôn của phụ nữ thành thị trong độ tuổi 25-29 tại Trung Quốc đã tăng từ 8,6% năm 2000 lên 40,6% năm 2020.
Trong khi đó, cánh mày râu Trung Quốc cũng áp lực chẳng kém vì tiêu chuẩn ngày một cao của nữ giới trong hôn nhân hay hẹn hò. Vì con trai thường được ưu ái trong thời kỳ chính sách 1 con của nước này trước khi chấm dứt vào năm 2016, hiện Trung Quốc đang thừa hơn 35 triệu nam giới so với nữ giới, đó là còn chưa kể đến tình trạng bồ nhí, vợ hai của các đại gia.
Một yếu tố nữa khiến tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc giảm tốc là chi phí đắt đỏ. Số liệu chính thức cho thấy nếu tính theo GDP bình quân đầu người thì Trung Quốc là nước có chi phí nuôi con đắt thứ 2 thế giới sau Hàn Quốc.
“Hiện tại tôi vẫn tìm kiếm sự ổn định và cần chờ xem tình hình kinh tế ra sao rồi mới quyết định được”, anh Xu, sống tại Changdu-Trung Quốc nói.