A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quân sự thế giới hôm nay (25-5): Hàn Quốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát hiện tên lửa đạn đạo

Quân sự thế giới hôm nay (25-5) có những thông tin đáng chú ý sau: Hàn Quốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát hiện tên lửa đạn đạo; Mỹ bán tên lửa đất đối không hiện đại NASAMS cho Ukraine; uy lực máy bay chiến đấu MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2.

* Chính quyền Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) trị giá 285 triệu USD cho Ukraine. Thông tin trên được Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) đưa ra hôm 24-5 (giờ Mỹ). Thông báo cũng cho biết dự kiến Raytheon Technologies sẽ trở thành nhà thầu chính của thương vụ này.

Theo đó, hợp đồng mua bán sẽ bao gồm một hệ thống NASAMS có radar AN/MPQ-64F1 Sentinel, trung tâm điều khiển hỏa lực (FDC), ống phóng, hệ thống thông tin liên lạc an toàn, máy thu định vị toàn cầu (GPS), các thiết bị kèm theo và gói hỗ trợ kỹ thuật của nhà thầu và chính phủ Hoa Kỳ.

Mỹ sẽ bán hệ thống tên lửa NASAMS cho Ukraine. Ảnh: Anadolu Ajansi 

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã nhận được thông báo về thương vụ vào đầu ngày 24-5 và bắt đầu đưa vào giai đoạn xem xét. Tuy nhiên, thương vụ này sẽ không vấp phải nhiều phản đối từ các nhà lập pháp trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang diễn ra.

Mỹ đã viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2-2022 khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu. Các khoản viện trợ quân sự bao gồm nhiều khí tài quân sự như hệ thống phòng không, đạn chống tăng, hệ thống tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và xe bọc thép chở quân.

* Hàn Quốc kết hợp trí tuệ nhân tạo với công nghệ nhận diện hình ảnh để phát hiện tên lửa đạn đạo

Công ty phân tích hình ảnh vệ tinh Hàn Quốc SI Analytics đang phát triển một công nghệ mới có thể xác định chính xác hơn tên lửa, bệ phóng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ phóng tên lửa. Giám đốc điều hành SI Analytics Taegyun Jeon mới đây đã công khai trước báo giới về dự án “Tìm kiếm khu vực hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên” tại Hội nghị chuyên đề về Thông tin tình báo không gian địa lý năm 2023 (GEOINT 2023) tổ chức tại St. Louis, bang Missouri (Mỹ).

Hàn Quốc kết hợp trí tuệ nhân tạo với công nghệ nhận diện hình ảnh để phát hiện tên lửa đạn đạo. Ảnh: Getty Images 

Trước đây, Công ty SI Analytics đã từng tham gia cuộc thi thử thách về những đổi mới trong công nghệ quốc phòng của Mỹ, trong đó có công nghệ đánh giá thiệt hại của các tòa nhà và phát hiện các loại tàu chiến không phát tín hiệu định vị khi di chuyển hoặc có thể đánh lừa các hệ thống giám sát.

Hiện SI Analytics đang thực hiện dự án mới nhất hướng đến hợp nhất dữ liệu quan trắc trái đất từ nhiều nhà khai thác vệ tinh thương mại kết hợp phân tích hình ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo tăng cường để phát hiện và phân loại các điểm bất thường như trong các hoạt động phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Các phát hiện, sau khi được các chuyên gia phân tích thêm có thể được chia sẻ, giúp chính phủ Hàn Quốc có thể ứng phó nhanh hơn với tình huống đang diễn ra.

SI Analytics được thành lập vào năm 2018, có trụ sở tại Daejeon, các văn phòng đại diện ở Seoul và Gwangju.

* Uy lực máy bay chiến đấu MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2.

Ngày 16-5, các máy bay chiến đấu MiG-31K của Không quân Nga đã phóng tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal vào một hệ thống phòng không Patriot ở thủ đô Kiev của Ukraine. Phía Nga cho biết đã  phá hủy  thành công hệ thống chỉ huy, radar cùng 5 hệ thống phóng. Cũng theo các nguồn tin Nga, hệ thống phòng không Patriots bắn đi 32 tên lửa đất đối không để đánh chặn nhưng không có tên lửa nào đánh trúng được mục tiêu. Điều này cho thấy hạn chế của hệ thống phòng không tầm xa hàng đầu của NATO cũng như năng lực tiên tiến của MiG-31K và vũ khí chính Kh-47M2 Kinzhal.

Máy bay chiến đấu MiG-31K mang theo tên lửa Kh-47M2. Ảnh: Military Watch 

Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017, số lượng MiG-31K trong biên chế quân đội Nga nhanh chóng tăng lên tới con số hơn 30 chiếc và hiện có thể đã lên tới con số trên 40. MiG-31K được thiết kế để có khả năng mang được tên lửa tầm xa uy lực lớn và hiện là máy bay nặng nhất thế giới có chức năng tác chiến không đối không. Radar Zalson-M trên MiG-31K hiện cũng là radar lớn nhất trên thế giới trang bị cho máy bay không chiến. MiG-31K là máy bay chiến đấu có người lái nhanh nhất thế giới và đi trước 20 năm so với bất kỳ máy bay chiến đấu hoặc máy bay đánh chặn nào của phương Tây sử dụng radar mảng pha quét điện tử. Hiệu suất bay của MiG và một số lượng lớn khung máy bay sẵn có từ thời Liên Xô khiến nó đang trở thành lựa chọn tối ưu để Nga cải biến thành máy bay tiêm kích tấn công theo chương trình MiG-31K có khả năng mang tên lửa đạn đạo uy lực phóng từ trên không Kh-47M2. MiG-31K cũng dự kiến sẽ được trang bị các loại tên lửa đất đối không mới ngoài Kh-47M2, trong đó có một biến thể trang bị cho không quân của tên lửa hành trình siêu thanh Zicron. Phiên bản gốc của Zicron bắt đầu được Hải quân Nga đưa vào trang bị năm 2019. 

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết