A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nước Mỹ đối mặt với “thách thức kép” là dịch Covid-19 và tội phạm

Nước Mỹ đang phải đối mặt với “thách thức kép” là dịch bệnh Covid-19 và tội phạm. Trong khi số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây tăng theo chiều “thẳng đứng”, thì số vụ tội phạm giết người cũng liên tục tăng, đặc biệt là trong năm 2021.

Doanh số bán súng tăng nhanh như dịch bệnh

Số liệu mới nhất được Mỹ công bố cho thấy số vụ tội phạm giết người tại quốc gia này tiếp tục tăng cao trong năm 2021, sau khi đã tăng mạnh tới 27% vào năm 2020. Đây là tỷ lệ cao chưa từng có tính từ những năm 1990 tới nay. Nhiều thành phố của Mỹ đã ghi nhận số vụ giết người cao kỷ lục trong năm 2021. Philadelphia, nơi có 1,5 triệu người sinh sống, chứng kiến tới 535 vụ giết người trong năm nay, cao hơn mức kỷ lục đẫm máu mà thành phố này ghi nhận vào năm 1990, và vượt qua số vụ giết người trong năm nay tại cả hai thành phố lớn nhất nước Mỹ là New York và Los Angeles.

Các thành phố khác cũng ghi nhận số vụ giết người tăng cao như Thủ đô Washington với ít nhất 211 vụ giết người, các thành phố nhỏ hơn như Albuquerque hay New Mexico ghi nhận 100 vụ; Portland, Oregon có ít nhất 70 vụ, trong khi tại Richmond và Virginia, mỗi nơi xảy ra khoảng 80 vụ. Các vụ xả súng chủ yếu xảy ra ở các cộng đồng thiểu số và nghèo, hầu hết liên quan tới người da màu, nhất là người da đen. Mới đây nhất, ngày 15-1, tại thành phố New York, một nghi phạm da màu đã đẩy một phụ nữ gốc Á xuống đường ray đoàn tàu đang lao đến khiến cô gái chết thảm.

Nghèo đói, giáo dục kém, vô gia cư, thiếu nguồn cung nhu yếu phẩm là môi trường thuận lợi cho tội phạm phát triển. Nhưng theo các nhà nguyên cứu, nay còn có thêm Covid-19. Đại dịch khiến các trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan. Những người mất việc làm bị mắc kẹt ở nhà, không đủ khả năng chăm lo cho gia đình, dẫn đến mức độ căng thẳng và lo lắng tăng vọt, đặc biệt là ở các gia đình có thu nhập thấp.

TS. Georges Benjamin, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tế công cộng Mỹ mô tả: “Những vụ giết người đẫm máu đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta, ở trường học và những nơi công cộng. Mọi người dường như không thể giữ được sự bình tĩnh, bởi họ đã mất việc làm, mất nguồn lực tài chính, hoặc lo lắng cho sức khỏe của mình... Tôi nghĩ chúng ta cần phải tìm cách để giảm xung đột trong xã hội”.

 

Thông tin sai lệch về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cũng khiến số vụ tấn công thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng vọt tại Mỹ. Người gốc châu Á tại Mỹ phải đối mặt cũng như chứng kiến nạn kỳ thị với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ là sự xa lánh, tẩy chay hay miệt thị, nghiêm trọng hơn là các hành động bạo lực như quấy rối về thể xác, tinh thần, đập phá cửa hàng, cơ sở kinh doanh do người gốc Á làm chủ, thậm chí bị giết hại.

Nghịch lý là trong khi dịch bệnh tăng cao thì doanh số bán súng cũng tăng nhanh, khiến tình trạng sử dụng súng đạn tràn lan. Theo số liệu thống kê trong năm 2020, số súng được tiêu thụ đã lập kỷ lục về doanh số, với gần 23 triệu khẩu được bán ra. Dự kiến, con số này trong năm nay vẫn ở mức khoảng 20 triệu khẩu. Nhà phân tích tội phạm Jeff Asher và nhiều chuyên gia khác cho rằng đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến số vụ giết người tăng cao.

Nước Mỹ đối mặt với “thách thức kép” là dịch Covid-19 và tội phạm ảnh 1

Số vụ giết người ở Mỹ đang tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19

Để cảnh sát hoạt động hiệu quả hơn trong trấn áp tội phạm

Các con số thống kê ở trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn tội phạm ở Mỹ nếu chính phủ nước này không sớm đưa ra được các biện pháp thực chất nhằm ngăn chặn. Để đối phó, hồi tháng 7-2021, Nhà Trắng đã chỉ thị cho các chính quyền tiểu bang trên khắp nước Mỹ sử dụng quỹ ứng phó dịch bệnh Covid-19 trị giá 350 tỷ USD để chống lại làn sóng tội phạm gia tăng, bao gồm cả các vụ xả súng và giết người. Quỹ này bề ngoài là để giảm bớt tác động tài chính của dịch bệnh, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng cho “các cơ hội việc làm và giáo dục trong mùa hè, và các khoản đầu tư khác có thể giảm tội phạm và làm cho cộng đồng an toàn hơn”.

 

Tổng thống Joe Biden cũng đã công bố chiến lược cốt lõi chống tội phạm, kêu gọi các tiểu bang và thành phố sử dụng “quỹ liên bang và một loạt công cụ để giải quyết những thách thức hiện nay về bạo lực súng đạn và các khía cạnh khác”. Hiện tại, chính quyền các bang và địa phương đang sử dụng các khoản hỗ trợ tài chính để tuyển dụng thêm các sĩ quan cảnh sát và mua các công nghệ chống tội phạm như hệ thống phát hiện vụ nổ súng.

Hồi tháng 5-2021, ông Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật về tội ác thù hận Covid-19. Trước đó, đạo luật này đã được thông qua tại Hạ viện với 364 phiếu ủng hộ và 62 phiếu chống, trong khi tại Thượng viện tỷ lệ này là 94-1. Đây là một trong những đạo luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đạo luật mạnh mẽ lên án các hành vi phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng người gốc châu Á tại Mỹ, quy định thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xem xét các đánh giá về nguy cơ hành vi tội ác đối với người gốc Á.

Đạo luật cũng yêu cầu cung cấp nguồn tài trợ cho các bang lập đường dây nóng để báo cáo các tội ác thù hận và đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù hận, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc với các tổ chức cộng đồng để giúp nâng cao nhận thức về tội ác thù hận trong đại dịch. Ngoài ra, đạo luật còn hướng tới việc hạn chế tình trạng sử dụng ngôn từ phân biệt đối xử đang ngày gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.

Còn theo giới chuyên gia, một trong những giải pháp cần quan tâm là cảnh sát phải hoạt động hiệu quả hơn trong trấn áp tội phạm. Do dịch bệnh và giãn cách xã hội, các sĩ quan cảnh sát đã ít xuất hiện tại những điểm “nóng” về tội phạm hơn. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2020, lực lượng này giải quyết chưa tới 50% số vụ bạo lực được người dân báo cáo.

Cũng có thực tế là sau vụ George Perry Floyd, một người đàn ông người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát đè đầu gối lên cổ đến thiệt mạng, khiến làn sóng bạo lực phản đối bùng nổ, giới cảnh sát Mỹ tỏ ra chùn bước trong nỗ lực chủ động kiểm soát bạo lực do lo ngại bị quay video và phát tán lên mạng internet. Nhiều chính trị gia cấp tiến thì kêu gọi từ bỏ sự ủng hộ cảnh sát, thậm chí giải tán lực lượng cảnh sát. Chính vì thế, hiện nay chính quyền các địa phương đang tìm cách khắc phục tình trạng này để lực lượng cảnh sát đủ sức ngăn chặn tội phạm.

Chẳng hạn như ở thành phố New York, mới tính đến hết tháng 6-2021, số vụ giết người đã cao hơn gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, ông Eric Adams - Thị trưởng thành phố trong chiến dịch tranh cử trước đó của mình đã khẳng định ưu tiên chống tội phạm và từ chối lời kêu gọi của các nhà hoạt động ngừng tài trợ cho cảnh sát. Đối thủ của ông là ứng cử viên Đảng Cộng hòa Curtis Sliwa cũng giữ quan điểm tương tự và cho rằng phải giải quyết tốt hơn vấn đề tội phạm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết