A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghịch lý đằng sau việc cấm nhập khẩu xe chạy bằng xăng của Ethiopia

Từng là tâm điểm trong cuộc xung đột kéo dài 20 năm (1998-2018) với Eritrea, giờ đây Ethiopia đang được thế giới chú ý vì một lý do hoàn toàn khác. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải và Hậu cần Ethiopia đã cấm nhập khẩu các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp này.

"Mũi tên trúng hai đích"

Tháng 1-2024, Bộ Giao thông vận tải và Hậu cần Ethiopia đã đưa ra quyết định cấm nhập khẩu tất cả các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel. Quyết định trên đã có hiệu lực trong mùa hè này, đưa Ethiopia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm nhập khẩu xe chạy xăng và dầu diesel. Trong khi ở phần còn lại của thế giới, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới lên kế hoạch chấm dứt ô tô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel từ năm 2035 và tại Mỹ, chính phủ của Tổng thống Joe Biden tuyên bố, đến năm 2032, hơn 50% xe mới sẽ phải chạy hoàn toàn bằng điện hoặc hybrid.

Ethiopia cấm nhập khẩu xe ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel từ mùa hè 2024. Ảnh: SIPA 

Để triển khai quyết định trên, ngày 23-3-2024, Chính phủ Ethiopia công bố kế hoạch nhập khẩu gần 500.000 xe điện (EV) trong 10 năm (2021-2030) như một phần của quá trình chuyển đổi sang dùng các phương tiện di chuyển xanh. Đồng thời, Chính phủ Ethiopia cũng cho phép nhập khẩu miễn thuế các bộ phận xe điện được lắp ráp trong nước, áp thuế 5% đối với xe điện lắp ráp một phần và 15% đối với xe điện nhập khẩu lắp ráp hoàn chỉnh. Ngoài việc tăng số lượng xe điện nhập khẩu, Chính phủ Ethiopia cũng sẽ thiết lập tổng cộng 2.226 trạm sạc trên cả nước, bao gồm 1.176 trạm ở thủ đô Addis Ababa và 1.050 trạm tại các thành phố khác.

Ông Yizengaw Yitayih, chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải và Hậu cần Ethiopia cho biết, đằng sau quyết định trên là một chiến lược kinh tế. Sự thay đổi triệt để của Ethiopia được giải thích là do những khó khăn tài chính của đất nước vốn phải chịu lạm phát cao kể từ năm 2021. Đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng, Ethiopia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu xăng, dầu, lên tới hơn 6 tỷ euro vào năm 2023. “Việc buộc người dân Ethiopia chuyển sang sử dụng ô tô điện cho phép chính phủ bắn đi “mũi tên trúng hai đích”: Giảm nhập khẩu nhiên liệu và đưa ra chính sách môi trường tiến bộ”, Samson Berhane, một nhà phân tích độc lập tại Addis Ababa nhấn mạnh.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người đoạt Giải Nobel Hòa bình 2019, từ lâu đã nỗ lực xây dựng hình ảnh như một người bảo vệ môi trường. Ông đang lãnh đạo các chiến dịch trồng rừng trên diện rộng, đặc biệt hứa hẹn trồng hàng tỷ cây vào năm 2024. Bên cạnh đó, Ethiopia đã khánh thành đập Phục Hưng vĩ đại trên sông Nile vào năm 2022, đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi, tạo ra 1.550 MWh điện hiện nay và 5.000 MWh trong dài hạn. Vì vậy, Thủ tướng Ahmed rất muốn tận dụng nguồn điện vừa xanh vừa rẻ này...

Chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Tuy nhiên, quyết định cấm nhập khẩu xe chạy bằng xăng và dầu diesel của Chính phủ Ethiopia được cho là khá vội vàng khi nước này chưa có sự chuẩn bị trước làn sóng ồ ạt của ô tô điện.

Sự thiếu chuẩn bị này trước hết ở chỗ, quốc gia đông dân thứ hai của “lục địa đen” với 120 triệu dân nhưng mới chỉ có 100.000 xe điện trong tổng số hơn 1 triệu phương tiện giao thông đang lưu hành tại Ethiopia. Một vấn đề khác hiện nay là Ethiopia chỉ có một trạm sạc công cộng và hai gara sửa chữa xe điện chuyên dụng. Hàng tồn kho rất ít ỏi, phụ tùng thay thế gần như không thể tìm thấy ở Ethiopia. “Tôi không thể rời Addis Ababa quá 200km vì không có cách nào để sạc lại pin bên ngoài thủ đô”, anh Dagim Girma, một tài xế 30 tuổi ở Addis Ababa thừa nhận.

Mặc dù các phương tiện truyền thông chỉ rõ rằng, giá mua điện ở Ethiopia thấp nhất ở châu Phi, với sản lượng điện trong nước rất lớn nhưng người dân nước này vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận năng lượng và chỉ có 50% cư dân được sử dụng điện.

Một lý do khác là Ethiopia có thể nhanh chóng đảo ngược quyết định vì nước này đang đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu đạt được tư cách thành viên WTO vào năm 2026, Addis Ababa buộc phải xóa bỏ lệnh cấm trên nhằm tôn trọng quy tắc cạnh tranh và không phân biệt đối xử về sản phẩm.

BÌNH NGUYÊN


Tags: Ethiopia
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết