Mỹ tái khởi động loạt trữ mỏ lithium bị bỏ quên, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu
Nhằm mở rộng năng lực sản xuất trong nước, Mỹ triển khai nhiều dự án khai thác và chiết xuất lithium tiềm năng tại các bang, bao gồm Maine, North Carolina, California và Nevada.
Tại Kings Mountain, phía Bắc Carolina, một công viên phủ đầy cây xanh trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân thành thị từ Charlotte. Ngay giữa công viên, một hồ nước sâu chừng 150 feet là kết quả của hàng thập kỷ mưa ngập kín trữ mỏ lithium. Albemarle Corp, nhà sản xuất thứ kim loại trắng quý lớn nhất thế giới, đang tìm cách tái khởi động lại quá trình khai thác này, theo Bloomberg.
Dự án trên có ý nghĩa vô cùng lớn trong kế hoạch của các nhà sản xuất ô tô - những người muốn tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh đầu tiên cho pin xe điện tại Mỹ, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong quá trình sản xuất pin EV, không có gì thay thế lithium. Nếu mỏ Kings Mountain được nối lại, Albemarle hình dung việc xử lý lithium sẽ được thực hiện ở phía Đông Nam nước Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô bao gồm General Motors và Ford đã cam kết đầu tư vào các nhà máy mới trong nước để sản xuất pin EV.
“Ngành công nghiệp đang tìm kiếm chuỗi cung ứng địa phương. Chúng tôi đang cố gắng làm điều đó bằng lithium”, Giám đốc điều hành Albemarle Kent Masters cho biết.
Các nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới lần lượt là Australia, Chile và Trung Quốc. Mỹ dù có trữ lượng kim loại lớn thứ năm toàn cầu, song hoạt động khai thác lại không thực sự sôi động. Đa số các dự án ngay từ đầu đã phải đối mặt với nhiều rào cản về môi trường cũng như sự phản đối gay gắt của người dân địa phương. Năng lực xử lý lithium của Mỹ cũng tối thiểu, trong khi các cơ sở sản xuất pin EV chủ yếu dựa vào nguồn cung nhập khẩu.
Ngược lại, Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu cho pin EV và đóng góp tới 79% tổng công suất sản xuất pin lithium-ion của thế giới, lớn hơn rất nhiều so với con số chỉ 5,5% của Mỹ, theo Benchmark Mineral Intelligence, cố vấn chính phủ về các khoáng sản quan trọng. Theo Andy Miller, giám đốc điều hành Benchmark, việc phụ thuộc vào một quốc gia, bất kể quốc gia đó là gì, đều khiến chính phủ lo lắng.
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh khai thác lithium trên toàn cầu là điều cần thiết để bắt kịp triển vọng sản xuất xe điện. Việc sản lượng tương đối bị trì trệ do thị trường sụt giảm trong giai đoạn 2018-2020 khiến làn sóng đầu tư vào các dự án mới ngắt nhịp, song giá lithium tại Trung Quốc vẫn tăng hơn 100% trong năm 2022 do nhu cầu xe điện tăng cao.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10, Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk, thậm chí còn gọi lithium là thứ kim loại “đắt điên cuồng”, đồng thời cho biết những hạn chế về chuỗi cung ứng pin sẽ là “yếu tố quyết định” sự phát triển của thị trường xe điện. Theo Bloomberg NEF, nguồn cung cấp lithium cần tăng gấp 5 lần vào cuối thập kỷ này trong bối cảnh cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra sôi nổi.
“Chúng khá nhẹ và luôn là tâm điểm của sự săn đón, nhất là khi pin lithium-ion bắt đầu thống trị các thiết bị điện tử tiêu dùng vào những năm 1990”, ông Chris Berry, chuyên gia ngành công nghiệp lithium cho biết.
Mỏ đá tại Kings Mountain của Albemarle trước đây là nguồn cung lithium chính được sử dụng trong Dự án Manhattan - một chương trình chế tạo bom nguyên tử vốn đã ngừng hoạt động từ những năm 1980. Công ty dự kiến nối lại hoạt động trữ mỏ này với công suất hàng năm ban đầu là 50.000 tấn vào năm 2027. Albemarle cũng dự kiến kết hợp với một cơ sở có khả năng xử lý 100.000 tấn lithium cùng một số sản phẩm hóa học tái chế khác.
Trước khi làm điều đó, hồ nước này cần được xử lý rút nước. Sẽ có máy ủi, xe tải, vô số xẻng cuốc và băng chuyền. Những tảng đá trắng được khai thác, nung và lọc bằng axit sunfuric, chuyển xám bạc và cuối cùng trở thành liti.
Nick Getaz, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Franklin Equity Group, cho biết: “Bạn nhìn vào đây và sẽ tự hỏi, cần bao lâu để hồ nước này trở thành một trung tâm sản xuất quy mô lớn?. Vấn đề không chỉ ở Mỹ. Nói chung cần nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ.”
Rào cản lớn nhất có thể sẽ là sự chấp thuận cần thiết của liên bang, tiểu bang và quận. Tổng thống Joe Biden mới đây đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 để khuyến khích sản xuất trong nước các vật liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, song quyết định dường như rất dễ thay đổi vào phút chót. Ioneer Ltd., nhà cung cấp lithium tiềm năng cho Ford và Toyota Motor, đã không thể phát triển một dự án khai thác ở Nevada vì các khu đất công cộng gần đó trồng hoa kiều mạch Tiehm vốn đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Bloomberg, nhu cầu đối với xe điện có thể sẽ tăng lên nhờ Đạo luật giảm lạm phát được Quốc hội thông qua gần đây, trong đó quy định người mua xe điện có thể nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD, miễn là pin của chúng chứa khoáng chất được khai thác hoặc xử lý tại một quốc gia có chính sách miễn thuế.
General Motors đang xây dựng 4 nhà máy sản xuất pin ở Mỹ. Ford liên doanh cùng SK Innovation của Hàn Quốc và chi 11,4 tỷ USD cho 3 nhà máy sản xuất pin và 1 nhà máy lắp ráp xe điện ở Tennessee và Kentucky. Trong khi đó, Volkswagen xem xét thiết lập hoạt động sản xuất pin nội bộ tại Mỹ; còn Panasonic, nhà cung cấp pin lâu năm cho Tesla, chọn Kansas để xây dựng nhà máy sản xuất pin.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà sản xuất đang tăng tốc, nếu Mỹ không đủ nguồn cung lithium trong nước cho pin, nước này có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, theo Ram Chandrasekaran, nhà phân tích chính về vận tải và di động tại Wood Mackenzie Ltd. “Mỹ có lẽ phải tập trung vào việc đưa vào một số chuỗi cung ứng tại địa phương để họ có thể kiểm soát nó tốt hơn.”, Ram Chandrasekaran nói.
Từ trước đến nay, Mỹ chỉ có 1 mỏ lithium đang hoạt động tại Nevada. Trong thời gian tới, nước này lên kế hoạch tích cực mở rộng sản xuất lithium trong nước. Các dự án khai thác và chiết xuất lithium tiềm năng đang trong các giai đoạn phát triển tại các bang khác nhau, bao gồm Maine, North Carolina, California và Nevada.
Theo: Bloomberg