Kinh tế Mỹ khởi sắc khi thị trường việc làm bùng nổ
Nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi đáng kể khi thị trường việc làm tháng 1 bổ sung thêm 467.000 công việc, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron gia tăng.
Ngày 4/2, báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ước tính mức tăng việc làm trong tháng 11 và tháng 12 lên tổng cộng 709.000.
Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3,9% lên mức 4% nhưng vẫn ở mức thấp, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người bắt đầu tìm việc hơn và không phải tất cả họ đều tìm được việc làm ngay lập tức.
Nhiều nhà tuyển dụng vẫn tích cực tuyển thêm nhân sự ngay cả khi đại dịch đang hoành hành. Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ dường như đã coi làn sóng Omicron chỉ có tác động tạm thời đến nền kinh tế và vẫn tự tin về triển vọng dài hạn của mình.
Mathieu Stevenson, Giám đốc điều hành của Snagajob, một trang web việc làm thêm giờ cho biết: “Các nhà tuyển dụng cho rằng Omicron sẽ gây khó khăn tạm thời. Vì vậy họ đã không thay đổi kế hoạch tuyển dụng của mình. Nhu cầu từ các nhà tuyển dụng vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Mức tuyển dụng trong tháng 1 tăng mạnh so với các tháng trước đó, đồng nghĩa Mỹ có thêm 1,1 triệu việc làm so với dữ liệu của chính phủ chỉ ra một tháng trước đó.
Nhu cầu tuyển dụng cao, các chính sách tiêu dùng được điều chỉnh cùng với việc tăng lương ổn định, đang thúc đẩy chi tiêu của người dân. Đây chính là động lực giúp kinh tế nước Mỹ sớm thoát khỏi “vũng lầy” lạm phát, vốn đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua.
Mức lương trung bình của người Mỹ tăng không đáng kể so với một năm trước và chưa thể đáp ứng với nguyện vọng của nhiều lao động nghèo. Với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp, họ đang gặp khó khăn trong việc trang trải các nhu cầu thiết yếu như gas, thực phẩm, tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt gia đình và chăm sóc con cái.
Những xu hướng đó sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần có thêm thời gian để tăng lãi suất, thậm chí có thể bất ngờ tăng nhanh hơn dự kiến, để sớm hạ nhiệt lạm phát. Fed đã chỉ ra rằng họ sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 và có thể làm như vậy một lần nữa vào cuộc họp tiếp theo vào tháng 5.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc tăng lãi suất nhanh hơn có thể làm giảm nhu cầu vay vốn và chi tiêu, tác động xấu hơn tới nền kinh tế.
Nhu cầu tuyển dụng ngày càng gia tăng
Hầu hết các ngành công nghiệp thuê lao động (bao gồm cả các nhà bán lẻ) trong tháng 1 tăng thêm 61.000 việc làm, nhà hàng và khách sạn tăng 131.000.
Các công ty vận chuyển và kho bãi tăng thêm 54.000 nhân công. Các chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều công ty trong những ngành này có khả năng giữ một số công nhân mà họ đã thuê trong kỳ nghỉ đông, thay vì sa thải tất cả.
Theo báo cáo cũng ghi nhận tỷ lệ người Mỹ làm việc tại nhà trong tháng 1/2022 đã tăng lên hơn 15%, tăng từ 11% vào tháng 12. Số người mắc COVID-19 đã tăng vọt lên 3,6 triệu người, tăng từ mức chưa đầy 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp ba lần mức trước đại dịch. Điều này buộc nhiều công ty, từ nhà hàng, nhà bán lẻ đến nhà sản xuất, phải giảm giờ làm hoặc thậm chí đóng cửa vì thiếu nhân viên.
Trong số những người lao động mắc COVID-19 có Perla Hernandez, 42 tuổi, sống tại bang California. Cô và cả 8 người thân trong gia đình đều mắc Covid-19 trong tháng 1. Hernandez cùng chồng và cô con gái lớn đều phải nghỉ việc, khiến gánh nặng tài chính gia đình càng chồng chất.
Cô Hernandez nghỉ tạm thời công việc đầu bếp và nhân viên bán hàng tại Burger King để điều trị COVID-19. Cô cho biết, phía cửa hàng quy định nghỉ ốm không được trả lương, do vậy tiền lương sau hai tuần làm việc chỉ ở mức 230 USD.
Có khoảng 1/5 lao động Mỹ hiện nay không nhận được lương ốm đau và tỷ lệ này cao hơn nhiều ở những người làm dịch vụ. Chỉ có 33% lao động thuộc nhóm 10% dưới cùng của thang lương được nghỉ ốm có lương, so với 95% nhân viên thuộc nhóm 10% cao nhất. “Cảm ơn Chúa vì chúng tôi đã trả được tiền thuê nhà tháng 1”, cô nói.
Cô Hernandez chia sẻ, cô kiếm được 15,45 USD/giờ, mức lương đã tăng 45 xu vào sáu tháng trước. Cô và các đồng nghiệp của mình, thậm chí cả quản lý, đã phải làm việc thêm nhiều giờ vì cửa hàng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Nhà kinh tế cấp cao tại trang web việc làm Glassdoor là ông Daniel Zhao cho biết, việc tuyển dụng tăng - không chỉ trong tháng Giêng mà còn từ tháng 11 và tháng 12 - là một dấu hiệu cho thấy hy vọng phục hồi kinh tế đang được "nhen nhóm" dần. Zhao nói: “Tăng trưởng việc làm đang là xu hướng thực tế và mức gia tăng nhanh hơn chúng tôi dự báo”.
Ông nói thêm: Điều này cho thấy rằng những lo ngại về tình trạng thiếu lao động dài hạn có thể đã bị thổi phồng quá mức, ít nhất là trong một số ngành. “Những người lao động vẫn ở ngoài kia và đang tìm kiếm công việc. Chúng ta chỉ cần cho họ thời gian để hòa nhập trở lại lực lượng lao động”.
9 trong số 43 nhân viên của ông đã mắc COVID-19 vào tháng trước. Đây là con số cao nhất mà ông chứng kiến được trong gần 30 năm điều hành công ty, Grady Cope, Giám đốc điều hành của Reata Engineering & Machine Works cho biết.
Mặt khác, công ty của Cope, chuyên sản xuất các bộ phận cho các hãng máy bay và thiết bị y tế, cũng có lượng đơn đặt hàng tồn đọng lớn nhất từng có. Ông muốn tuyển dụng thêm ít nhất tám nhân viên, bao gồm thợ máy, thợ lắp ráp và kỹ sư. Trong tháng 12/2021, ông đã tăng lương 18%, nhiều hơn nhiều so với mức tăng 3% đến 4% thông thường, bất chấp giá thuê mặt bằng văn phòng và các chi phí khác đang tăng nhanh.
Ông nhận xét: “Mọi người cần phải có lương để họ có thể tự nuôi sống bản thân và nuôi gia đình”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, Cope cũng đang tăng giá của các mặt hàng của mình để bù lại mức lương cao hơn cho công nhân. “Cuộc cạnh tranh để giành lấy người lao động là viêc khó khăn nhất mà tôi từng thấy”.
Vào tháng 10/2021, bốn công nhân của ông đã nghỉ việc. Chỉ có một người đã thông báo. “Điều đó chưa bao giờ xảy ra trong 28 năm qua”, ông nói.
Có thể nói, triển vọng chung cho thị trường việc làm vẫn sáng sủa, với tỷ lệ mở cửa gần mức cao kỷ lục, tốc độ sa thải nhân viên giảm và tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức ổn định.
Các ngành nghề tại Mỹ đã kiếm được nhiều việc làm hơn so với năm ngoái, được điều chỉnh theo quy mô của lực lượng lao động, so với bất kỳ năm nào kể từ năm 1978.
Phần lớn sự cải thiện đó thể hiện sự phục hồi sau tình trạng mất việc làm kỷ lục vào năm 2020 gây ra do đại dịch và suy thoái kinh tế.