A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giới trẻ Iraq chật vật tìm việc làm

Trong một bài viết mới đây, Tân Hoa xã cho biết mỗi năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trên khắp Iraq, nhưng tình trạng kinh tế trong nước khó khăn mang lại rất ít cơ hội việc làm. Hiện có tới hơn 1/3 thanh niên Iraq không có việc làm.

Cách đây 5 năm, anh Anas Mahmoud, 30 tuổi, tốt nghiệp Đại học Baghdad, một trường danh tiếng tại Iraq. Vì không thể tìm được một công việc đúng chuyên ngành đào tạo nên người đàn ông này chuyển sang làm nhân viên phục vụ bàn tại một nhà hàng ở khu Mansour, phía Tây thủ đô Baghdad. Thế nhưng, mới đây, anh Mahmoud đã bị buộc nghỉ việc khi chủ nhà hàng ưu tiên tuyển dụng người lao động nước ngoài với mức lương thấp hơn. "Tôi từng nhận mức lương hằng tháng tương đương khoảng 655USD cho 12 giờ làm việc/ngày. Tôi đã bị sa thải sau khi làm việc được 3 năm và bị thay thế bởi một lao động nước ngoài có mức lương 400USD/tháng", anh Mahmoud chia sẻ.

Một người buôn bán quần áo tại chợ Shorja ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: Tân Hoa xã 

Theo Tân Hoa xã, kể từ khi Mỹ đưa quân sang Iraq vào năm 2003, quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng. Tình trạng xung đột, hỗn loạn liên miên trong 20 năm qua đã cản trở các đời Chính phủ Iraq giải quyết thỏa đáng vấn đề an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Số liệu của Bộ Kế hoạch Iraq cho thấy tỷ lệ đói nghèo ở nước này trong năm 2022 là 25%. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp nói chung tại Iraq là 16,5%, riêng ở giới trẻ là gần 36% trong năm 2022.

Điều đáng chú ý là trong bối cảnh như vậy, nhiều doanh nghiệp tại Iraq lại có xu hướng ưu tiên người lao động từ các nước Nam Á hoặc châu Phi-những người sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn so với người dân địa phương. Ngoài vấn đề tiền lương, theo Tân Hoa xã, còn có lý do khác. Trong hai thập niên qua, bất ổn xã hội và sự thiếu đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong giới trẻ Iraq. "Chúng tôi phải thừa nhận rằng nhiều người lao động Iraq không có kinh nghiệm trong một số công việc và đôi khi họ không giỏi trong cách ứng xử một cách chuyên nghiệp với nhà tuyển dụng", ông Saad al-Khattab, người sở hữu công ty giới thiệu việc làm Yad al-Rajaa tại Iraq cho biết.


Tags: Iraq
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết