Ngân hàng chiếm hơn một nửa Top 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất Việt Nam
Ngành ngân hàng có tới 6 đại diện nằm trong 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam và có 7 đại diện nằm trong 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất.
Theo đó, 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm nay bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Viettel, Vietcombank, Techcombank, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), BIDV, MBBank, Agribank, VPBank.
Theo Vietnam Report, dù chưa thể quay về mức cao như trước đại dịch, song so với năm trước, ROA bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 trong năm 2023 đã có sự cải thiện tương đối đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế.
Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu ở mức 13,7%, đồng thời là mức tăng mạnh nhất giữa 3 khu vực (+2,7% so với năm 2022), cho thấy sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và khả năng tạo lợi nhuận từ tài sản. Hai vị trí còn lại cũng không có sự xáo trộn và đều có sự gia tăng so với hai năm qua, khi doanh nghiệp khu vực Tư nhân và doanh nghiệp khu vực Nhà nước lần lượt ghi nhận tỷ lệ ROA bình quân ở mức 11,2% và 9,2%, tương ứng xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Mặt khác, dù có tỷ lệ ROE bình quân tăng từ 16,5% năm ngoái lên 17,2% trong năm nay song sự cải thiện này của khu vực Nhà nước vẫn chưa rõ rệt và khá nhẹ so với hai khu vực còn lại, do đó có năm thứ hai liên tiếp đứng ở vị trí thứ ba.
“Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn và xứng đáng được tôn vinh của các doanh nghiệp này trong việc tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu suất tài chính, qua đó tạo ra sự khác biệt đáng kể với phần còn lại của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh chung cực kì khó khăn của giai đoạn từ đầu năm đến nay”.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan lại gia tăng.
Ở phần còn lại của năm, khi “hạ cánh mềm” dần được nhắc đến nhiều hơn để nói về bộ mặt kinh tế thế giới thay cho cụm từ “suy thoái” cách đây vài tháng, nền kinh tế Việt Nam nhen nhóm tín hiệu bớt ảm đạm và có khả năng tiến dần vào quỹ đạo phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ chuyển trạng thái không quá nhanh do áp lực vẫn lớn và nhiều khó khăn còn tồn đọng. Về góc độ tích cực, bước sang quý III/2023, tín hiệu phục hồi tháng sau khả quan hơn tháng trước dần xuất hiện.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 7/2023. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 không chỉ tăng 2,9% so với tháng trước, mà còn tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu của quý III, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global công bố liên tục ghi nhận tín hiệu tích cực. Đặc biệt, PMI tháng 8 đã đạt 50,5 điểm - đánh dấu sự phục hồi khi bật tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. Mặc dù vậy, đánh giá tổng quan một cách thận trọng, thực tế các số liệu kinh tế về tăng trưởng GDP quý II/2023 dù khởi sắc hơn quý I song vẫn yếu, hay các báo cáo PMI theo tháng nhìn chung đều cho thấy sự phục hồi kinh tế còn chậm. Khi xét chung 8 tháng đầu năm, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu giảm 10,0%, ước đạt 227,71 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng theo giá hiện hành chỉ tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2022, loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7% trong khi mức tăng tương ứng năm ngoái là 19,2% và 15,1%…
Với nhận định chung rằng dù đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình của nền kinh tế, nhưng những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ, hay nói cách khác, chưa đủ sức bật để đưa tình hình chuyển biến nhanh trong ngắn hạn trong khi thách thức còn rất nhiều, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ thấp hơn so với mục tiêu 6,5%. Trong đó, mức tăng trưởng từ trên 4,5% – 5% của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay là kịch bản có tỷ lệ số doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất (31,8% số doanh nghiệp).
Theo Vietnam Report, sự phục hồi giữa các ngành, các doanh nghiệp cũng sẽ có sự khác biệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc thù riêng. Do vậy, có sự phân hóa trong kết quả khảo sát về triển vọng lợi nhuận dự kiến trong 6 tháng còn lại của năm với 6 tháng đầu. 54,6% số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận của mình sẽ có cải thiện nhẹ so với nửa đầu năm đã qua trong khi 4,5% số doanh nghiệp dự báo không thay đổi và 40,9% số doanh nghiệp nhận định sự phục hồi vẫn hết sức chậm chạp, chưa thể phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh trong năm nay, và có thể trong ngắn hạn vẫn ghi nhận sự suy giảm trước khi tình hình có thể cải thiện trở lại.