Một số mô hình lý thuyết nền sử dụng trong nghiên cứu về thuế và tuân thủ thuế
Ở một số quốc gia phát triển, nghiên cứu về thuế và hành vi tuân thủ thuế được các học giả quan tâm từ rất sớm. Qua nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực thuế, tuân thủ và trốn thuế trước đây cho thấy, một số khung lý thuyết được các học giả vận dụng để nghiên cứu như: Lý thuyết về độ thỏa dụng kỳ vọng, lý thuyết mô hình răn đe kinh tế, lý thuyết triển vọng…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đặt vấn đề
Trong suốt những năm từ 1960, có rất nhiều các cơ sở lý thuyết được sử dụng để nghiên cứu về thuế và tuân thủ thuế trên thế giới. Đặc biệt, trong những năm 1980, những nghiên cứu về trốn thuế và không tuân thủ thuế được thực hiện nhiều khi các nhà chính trị tại Mỹ nhận thấy có sự gia tăng các khoản chênh lệch về thuế.
Các nghiên cứu về thuế tại Mỹ đã sử dụng các lý thuyết để nghiên cứu, trong đó tập trung vào lý thuyết kinh tế (Devos, 2014). Qua nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực thuế, tuân thủ và trốn thuế trước đây cho thấy, khung lý thuyết được nhiều tác giả vận dụng để nghiên cứu gồm: Lý thuyết mô hình răn đe kinh tế, lý thuyết mô hình tâm lý xã hội và tài chính…
Những lý thuyết để nghiên cứu về tuân thủ thuế về cơ bản được chia thành 2 hướng: Các lý thuyết về kinh tế và những lý thuyết về tâm lý, xã hội, hành vi. Bài viết này khái quát các lý thuyết thường được sử dụng trong nghiên cứu về thuế và tuân thủ thuế trước đây và đánh giá những đóng góp, điểm mạnh và điểm yếu của các lý thuyết đã chọn từ đó các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý có thể áp dụng các lý thuyết này vào trong các nghiên cứu tiếp theo.
Các lý thuyết thường sử dụng trong nghiên cứu về tuân thủ thuế
Lý thuyết về Độ thỏa dụng kỳ vọng
Lý thuyết về độ thỏa dụng kỳ vọng được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà nghiên cứu (Neumann và Morgenstern, 1944) trong nghiên cứu “Lý thuyết về trò chơi và hành vi kinh tế” (Theory of games and economic behavior).
Nội dung cơ bản của lý thuyết này: (i) Được áp dụng để giải thích hoặc dự đoán hành vi của cá nhân khi phải đối diện với một lựa chọn có rủi ro mà không thể nào dự đoán được kết quả; (ii) Đưa ra kết luận là con người sẽ luôn có chọn lựa thiết thực nhất để thỏa dụng đạt mức tối đa; (iii) Phân biệt rõ ràng giữa tính thỏa dụng của đồng tiền và giá trị của đồng tiền nhằm giải thích vì sao con người đưa ra các quyết định.
Becker (1968) được xem là người đầu tiên áp dụng lý thuyết về độ thỏa dụng kỳ vọng để giải thích hành vi không tuân thủ thuế. Theo Becker, một người sẽ thực hiện hành vi phạm tội khi lợi ích kỳ vọng của họ nhiều hơn lợi ích có thể có được khi làm các việc khác trong một khoảng thời gian nhất định.
Một nghiên cứu khác của Ameur và Tkiouat (2017) dựa trên lý thuyết thỏa dụng kỳ vọng cho rằng hành vi của người nộp thuế được cho là không thích rủi ro và chỉ ra đối với trường hợp ở Maroc, gian lận liên quan đến quy mô của các công ty; điều này quan trọng hơn ở doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả này có thể được sử dụng như một công cụ để xem xét lại các cách tiếp cận hành chính về tuân thủ thuế.
Yitzhaki (1974) chỉ ra mô hình lý thuyết độ thỏa dụng kỳ vọng dự báo mối quan hệ nghịch biến giữa thuế suất và việc trốn thuế khi hai điều kiện được thỏa mãn: tiền phạt được áp dụng và sở thích của người nộp thuế thỏa mãn giả định tuyệt đối về mức độ sợ rủi ro đang giảm dần. Kahneman và Tversky (1979) đã phát triển một lý thuyết mới gọi là lý thuyết triển vọng dựa trên nghiên cứu thực nghiệm. Trên thực tế, lý thuyết triển vọng cung cấp kết quả gần với thực tế hơn lý thuyết về độ thỏa dụng kỳ vọng.
Lý thuyết Răn đe hoặc mô hình Răn đe kinh tế
Các lý thuyết khác nhau đã được các nhà nghiên cứu đưa ra để giải thích các hành vi không tuân thủ, chẳng hạn như lý thuyết răn đe hoặc mô hình răn đe kinh tế. Mô hình Răn đe kinh tế đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tuân thủ thuế. Mô hình được rút ra dựa trên lý thuyết Tiện ích kỳ vọng (EUT) và lý thuyết răn đe (Devos, 2014).
Theo mô hình này, người nộp thuế được coi là những cá nhân hoàn toàn có đạo đức, không thích rủi ro, là những người tìm cách tối đa hóa lợi ích của họ và có thể trốn thuế bất cứ khi nào khi cảm thấy lợi nhuận dự kiến vượt quá chi phí (Jackson & Milliron, 1986). Lý thuyết răn đe cho rằng, mọi người sẽ lựa chọn chấp hành hoặc vi phạm pháp luật sau khi tính toán lợi ích và hậu quả của các hành động của họ.
Có hai loại răn đe cơ bản là răn đe chung và răn đe cụ thể. Răn đe chung thường được áp dụng để ngăn chặn tội phạm trong cộng đồng, từ những biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và nhận thức của cộng đồng sẽ khiến cho các cá nhân thay đổi hành vi phạm tội trong tương lai. Sự trừng phạt của nhà nước lên các đối tượng phạm tội sẽ như một biện pháp để cảnh báo và răn đe người khác. Răn đe cụ thể lại được thiết kế theo bản chất của từng sự việc cụ thể góp phần răn đe các cá nhân phạm tội cam kết không mắc phải trong tương lai bằng việc hiểu những hậu quả có thể xảy ra.
Các nguyên tắc của lý thuyết này đến từ nghiên cứu của Becker (1968), người đã phân tích hành vi bất hợp pháp bằng cách sử dụng cách tiếp cận kinh tế. Lý thuyết răn đe thông thường nhấn mạnh vào các biện pháp trừng phạt như một yếu tố quyết định chính trong việc chống lại các vấn đề không tuân thủ thuế. Theo lý thuyết này, người nộp thuế quan tâm đến việc tối đa hóa tiện ích mong đợi của họ bằng cách kê khai thuế cân bằng giữa lợi ích của việc trốn tránh thành công so với hậu quả của việc bị phát hiện. Lý thuyết này chỉ tập trung vào các yếu tố kinh tế.
Lý thuyết Triển vọng
Lý thuyết Triển vọng được Daniel Kahnerman và Amos Tversky đưa ra vào năm 1979 sau đó giành giải Nobel Kinh tế (2002). Lý thuyết Triển vọng cho rằng, hành vi của con người có 3 đặc điểm chính mà lý thuyết độ thỏa dụng kỳ vọng không thể giải thích được, đó là: (i) Lý thuyết này đưa ra luận điểm con người không thích rủi ro ở phần lãi và thích rủi ro ở phần lỗ. Phần lãi hay phần lỗ không nhắm vào mức thu nhập, mà là sự thay đổi của mức thu nhập đó, ngoài ra hành vi của con người đôi lúc thể hiện sự không thích rủi ro (lẩn tránh rủi ro) song, đôi lúc lại ưa thích rủi ro (tìm kiếm rủi ro) và con người lựa chọn dựa trên lãi và lỗ; (ii) Con người đánh giá các khoản lãi và lỗ so với một mức tham khảo và thông thường mức tham khảo ứng với tình trạng hiện tại của người đó; (iii) Con người sợ thua lỗ bởi việc mất có tác động đến cảm xúc của họ mạnh hơn cái họ được.
Ackert & Deaves (2010) cho rằng, 3 đặc điểm chính quan sát được trong việc ra quyết định của con người được miêu tả là: con người thể hiện sự không thích rủi ro ở phần được (phần lời) và thích rủi ro ở phần mất (phần lỗ), có nghĩa là hàm giá trị lồi ở phần giá trị dương và lõm ở phần giá trị âm. Các quyết định được thực hiện bằng cách chú ý vào cái được và cái mất, có nghĩa là luận điểm của hàm giá trị không phải là mức thu nhập mà là sự thay đổi trong mức thu nhập đó; và con người không thích thua lỗ, do vậy đồ thị hàm giá trị đối với phần mất có độ dốc hơn phần được.
Lý thuyết Triển vọng được áp dụng trong nghiên cứu tuân thủ thuế bởi Chang (1984), nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa hình phạt và kiểm tra để xử lý hành vi tuân thủ thuế. Jackson và cộng sự (1984) đã thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm để kiểm tra mối quan hệ giữa nhân tố rủi ro bị phát hiện và mức độ của hình phạt trong trường hợp trốn thuế, kết quả cho rằng đối tượng nghiên cứu chú ý nhiều hơn đến độ lớn của những mất mát hơn là khả năng bị phát hiện khi khả năng bị phát hiện là ít.
Lý thuyết Thể chế thiếu quy tắc
Lý thuyết Thể chế thiếu nguyên tắc là một lý thuyết xã hội học cho rằng, các cá nhân đưa ra quyết định dựa trên các giá trị xã hội, mà nếu xét riêng biệt có thể là mâu thuẫn nhưng cùng nhau, cân bằng lẫn nhau, tạo ra hành vi được coi là "bình thường". Khi một người nắm giữ bộ giá trị mất cân bằng các quyết định được tạo ra từ những giá trị này có thể gây nên những hành vi lệch lạc, ví dụ như hành vi phạm tội hàng ngày (Itashiki, 2011). Cũng chính vì các giá trị đạo đức của xã hội suy giảm nên khả năng xảy ra những hành vi lệch lạc như trốn thuế có thể tăng.
Lý thuyết thể chế thiếu quy tắc nhấn mạnh 4 bộ lý thuyết có nguồn gốc văn hóa nhiều chiều của quốc gia có khả năng thúc đẩy hoặc ngăn chặn trốn thuế. Chúng bao gồm chủ nghĩa cá nhân, định hướng thành công, sự quyết đoán và định hướng nhân đạo. Theo lý thuyết thể chế thiếu quy tắc, chủ nghĩa giá trị văn hóa cá nhân sẽ khuyến khích các công ty của các nhà sản xuất quyết định chọn mục tiêu lợi ích kinh tế hơn các mối quan tâm về đạo đức hay pháp lý để đạt được mục tiêu (Bame-Aldred và cộng sự, 2013).
Lý thuyết hay mô hình Tâm lý hành vi phổ biến
Mô hình Tâm lý hành vi phổ biến là mô hình cổ điển được áp dụng trước khi được khái quát hoá thành lý thuyết mô hình tâm lý học hành vi phổ biến. Valiarie và John Braithwaite (1985) cho rằng, tâm lý hành vi phổ biến của con người là lựa chọn hành động khi đã hiểu biết lợi ích và hậu quả liên quan đến hành động đó. Khi áp dụng vào quản lý thuế, để đạt được sự tuân thủ cao từ người nộp thuế, cơ quan thuế cần tuần tự quản lý từ việc thuyết phục người nộp thuế đến trừng phạt với các hình thức từ nhẹ đến nặng (nhắc nhở bằng văn bản, phạt hành chính, phạt hình sự, cấm hoạt động tạm thời, cấm hoạt động vĩnh viễn). Đặc điểm quan trọng của mô hình này là các biện pháp được thực hiện theo tuần tự từ thấp đến cao. Biện pháp cao hơn chỉ được thực hiện khi biện pháp trước đó đã được áp dụng thất bại. Do đó, mô hình này còn gọi là mô hình Thuyết phục và trừng phạt (Valiarie và Braithwaite, 1985).
Mô hình quản lý thuế theo tâm lý hành vi phổ biến này thể hiện phương thức quản lý thuế truyền thống. Trong quản lý thuế, phương thức quản lý truyền thống được sử dụng là phương pháp giáo dục, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế.
Phương pháp giáo dục thể hiện qua cách thuyết phục người nộp thuế, tác động vào nhận thức của họ nhằm nâng cao tính tự giác và tích cực tuân thủ nghĩa vụ thuế. Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là một cách thức thuyết phục người nộp thuế, hỗ trợ người nộp thuế hiểu biết về pháp luật thuế và nghĩa vụ của họ.
Phương pháp hành chính là cách thức tác động trực tiếp đến người nộp thuế bằng các quyết định hành chính mang tính bắt buộc. Trong mô hình quản lý thuế này, phương pháp hành chính thể hiện trong các biện pháp trừng phạt (nhắc nhở bằng văn bản, phạt hành chính, phạt hình sự, cấm hoạt động tạm thời, cấm hoạt động vĩnh viễn). Các nội dung quản lý thuế tương ứng là xử lý vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế. Hiện nay, trong thực tiễn quản lý thuế, mô hình quản lý thuế truyền thống này vẫn được sử dụng kết hợp với mô hình tuân thủ ở nhiều nước.
Lý thuyết Quy kết
Lý thuyết Quy kết tuyên bố rằng, nếu các cá nhân quan sát hành vi của cá nhân khác, họ sẽ cố gắng xác định xem hành vi đó là do các yếu tố bên trong hay bên ngoài gây ra (Suntono và cộng sự, 2015). Lý thuyết này đã từng được thiết lập bởi Heider (1958), lý thuyết giả định rằng, một cá nhân sẽ cố gắng tìm kiếm nguyên nhân của một hành động mà mọi người thực hiện quy kết hành vi đó. Theo Robbins (1996), lý thuyết quy kết được phân loại thành 3 loại, gồm: (i) Tính riêng biệt, trong đó một cá nhân có thể hiện cùng một hành vi trong những tình huống khác nhau, ngoài ra cần xem xét liệu hành vi của một cá nhân diễn ra thường xuyên hay không. Nếu đúng là hành vi của một cá nhân diễn ra không thường xuyên thì người quan sát có thể quy kết hành vi này là do nguyên nhân bên ngoài.
Mặt khác, nếu hành vi không phải diễn ra một lần, thì hành vi đó sẽ được coi là nguyên nhân bên trong; (ii) Tính đồng thuận, nơi mọi người có cùng nhận thức về một hành vi cá nhân trong cùng một tình huống. Theo lý thuyết quy kết: nếu như mức độ đồng thuận là cao, thì nguyên nhân dẫn đến hành vi là nguyên nhân bên ngoài; ngược lại, nếu tính đồng thuận của hành vi thấp thì nguyên nhân dẫn đến hành vi là nguyên nhân bên trong; (iii) Tính nhất quán, nếu một cá nhân nhận thức được hành vi của những người khác với những phản ứng giống nhau vào từng thời điểm. Nếu tính nhất quán cao thì nguyên nhân dẫn đến hành vi là nguyên nhân bên trong, ngược lại, nếu tính nhất quán thấp thì nguyên nhân dẫn đến hành vi là nguyên nhân từ bên ngoài.
Dựa vào lý thuyết Quy kết, Rahmawati và Yulianto (2018) chỉ ra lòng tin của người nộp thuế ảnh hưởng đáng kể đến việc tuân thủ của người nộp thuế, kết quả nghiên cứu phù hợp với lý thuyết quy kết giải thích hành vi của người nộp thuế trong việc xác định hành vi tuân thủ được xác định từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Lòng tin của người nộp thuế là một yếu tố bên trong khiến họ có hành vi phù hợp trong việc kiểm soát của từng cá nhân.
Lý thuyết Hành động có kế hoạch (TPB)
Lý thuyết hành động có kế hoạch được Ajzen xây dựng vào năm 1991. Lý thuyết này cho rằng, việc thực hiện hành vi nhất định của một cá nhân được xác định bởi ý định thực hiện hành vi của người đó. Lý thuyết hành động có kế hoạch chỉ ra hành động của con người bị ảnh hưởng bởi 3 loại yếu tố, đó là: (i) Niềm tin về hành vi hoặc niềm tin về kết quả có thể xảy ra của một hành vi; (ii) Niềm tin chuẩn tắc hoặc niềm tin về kỳ vọng của người khác; (iii) Kiểm soát hành vi nhận thức (PBC) hoặc niềm tin về sự hiện diện của các yếu tố có thể tạo điều kiện hoặc cản trở việc thực hiện hành vi.
Lý thuyết Hành động có kế hoạch đề xuất mối quan hệ trực tiếp giữa ý định và hành vi. Ý định là cơ sở của lý thuyết hành động có kế hoạch (Ajzen, 1991). Nó được coi là tiền đề trực tiếp của hành vi và là yếu tố chi phối nhiều nhất trong việc xác định hành vi thực tế.
Có thể thấy, lý thuyết hành động hợp lý và lý thuyết hành động có kế hoạch ra đời đã giúp các nhà nghiên cứu có thêm công cụ hữu ích để giải thích hành vi tuân thủ của người nộp thuế. Thông qua các nghiên cứu thực nghiệm, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau và thấu hiểu người nộp thuế có ảnh hưởng tới hành vi tuân thủ của người nộp thuế. Việc áp dụng các xử phạt và các biện pháp trừng phạt đôi khi sẽ bị phản tác dụng trong việc định khuyến khích và định hướng đối với hành vi tuân thủ của người nộp thuế.
Kết luận
Qua việc phân tích và tổng hợp các công trình nghiên cứu trên thế giới, có thể nhận thấy có nhiều lý thuyết nền được sử dụng trong các nghiên cứu về thuế và tuân thủ thuế. Về cơ bản, những lý thuyết được sử dụng trong các nghiên cứu về tuân thủ thuế được chia thành 2 hướng chính, đó là các lý thuyết về kinh tế và các lý thuyết về tâm lý, xã hội, hành vi.
Các nhà nghiên cứu vận dụng một số lý thuyết như: Lý thuyết thỏa dụng kỳ vọng, lý thuyết Răn đe hoặc mô hình Răn đe kinh tế, lý thuyết Triển vọng, lý thuyết Hành vi gian lận, lý thuyết Quy kết, lý thuyết Hành động có kế hoạch, lý thuyết thể chế thiếu quy tắc… làm lý thuyết nền tảng phục vụ cho nghiên cứu vấn đề tuân thủ thuế tại một số địa phương. Các cơ sở lý thuyết nền tảng đã tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu xây dựng các giả thuyết, sử dụng mô hình hồi quy và phương pháp nghiên cứu (như thu thập số liệu, phân tích dữ liệu…) để nghiên cứu tính tuân thủ thuế của các doanh nghiệp, cá nhân.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích thực nghiệm các yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (như: thanh tra thuế, thuế suất, mức phạt, mức độ phức tạp của chính sách thuế và kiến thức về thuế…) để đưa ra các giải pháp phù hợp với từng địa phương, vùng miền, nâng cao tính tuân thủ thuế của các doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế xã hội.
Tài liệu tham khảo:
- Lèng Hoàng Minh (2017), Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế ở Việt Nam, Luận văn Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính;
- Nguyễn Thị Lệ Thúy (2009), Hoàn thiện quản lý thu thuế của nhà nước nhằm tăng cường sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp (nghiên cứu tình huống Hà Nội), Luận văn Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế quốc dân, Ajzen Icek (1991), “The theory of planned behavior”, Journal Organizational
- Behavior and Human Decision Processes, 50 (2), 179-211;
- Ajzen Icek và Martin Fishbein (1975), Belief, attitude, intention and behavior: An introduction to theory and research, MA: Addison- Wesley.
- Braithwaite John và Andrew Wirth (2001), Towards a framework for large business tax compliance, Centre for Tax System Integrity;
- Chau Gerald và Patrick Leung (2009), “A critical review of Fischer tax compliance model: A research synthesis”, Journal of accounting and taxation, 1 (2), 34;
- Fischer Carol M, Martha Wartick và Melvin M Mark (1992), “Detection probability and taxpayer compliance: A review of the literature”, Journal of Accounting Literature, 11, 1;
- Jackson Betty R và Valerie C Milliron (1986a), “Tax compliance research: Findings, problems, and prospects”, Journal of Accounting Literature, 5 (1), 125-165.
Thông tin tác giả:
* Nguyễn Thu Hiền, Học viện Tài chính
* Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Cục Kế hoạch -Tài chính, Bộ Tài chính
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022