A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Một ngân hàng “Big 4” có gần 7 tỷ đồng nợ tồn đọng chưa xử lý dứt điểm liên quan đến Công ty Việt Á

Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước cho biết Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank -VCB) có gần 7 tỷ đồng nợ tồn đọng chưa xử lý dứt điểm là khoản tạm ứng mua sinh phẩm kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á phát sinh từ năm 2020.

 

Một ngân hàng “Big 4” có gần 7 tỷ đồng nợ tồn đọng chưa xử lý dứt điểm liên quan đến Công ty Việt Á - Ảnh 1.

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra một ngân hàng “Big 4” có gần 7 tỷ đồng nợ tồn đọng chưa xử lý dứt điểm liên quan đến Việt Á. Ảnh minh họa

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 do Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) còn có một số tồn tại hạn chế.

Cụ thể, KTNN xác định, VCB có nợ tồn đọng chưa được xử lý là 6,99 tỷ đồng khoản tạm ứng mua sinh phẩm kit test của Công ty CP công nghệ Việt Á để tài trợ bằng hiện vật cho Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 phát sinh năm 2020.

Đầu tư tài chính hiệu quả thấp

Liên quan đến công tác đầu tư tài chính tại VCB trong kỳ kiểm toán, KTNN xác định Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đầu tư 23,19 tỷ đồng từ năm 2011 vào Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn và 17,5 tỷ đồng từ năm 2014 vào Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP nhưng chưa được chia cổ tức, đồng thời chưa thoái được vốn tại các công ty này theo phương án được phê duyệt.

Hạch toán thu nhập, chi phí chưa đúng quy định

Liên quan đến công tác hạch toán thu nhập, chi phí tại VCB trong kỳ kiểm toán, KTNN xác định VCB chưa ghi nhận kịp thời thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần 24,09 tỷ đồng, phân bổ thu nhập từ hoạt động bảo lãnh, thư tín dụng chưa đúng niên độ 125,25 tỷ đồng; Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ghi nhận doanh thu từ việc đánh giá lại các tài sản tài chính chưa phù hợp 33,55 tỷ đồng.

Chưa có giải pháp, lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu

Kết quả kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra VCB là một trong những nhà băng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017.

Cụ thể, theo KTNN, trong kỳ kiểm toán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện một số giải pháp, lộ trình về nâng cao năng lực tài chính theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết