A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

MB sắp nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo của hội đồng quản trị chuẩn bị cho đại hội thường niên sẽ diễn ra ngày 25/4 tới tại Hà Nội. Hội đồng quản trị MB tiếp tục đề cập việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại.

Tại báo cáo của hội đồng quản trị, một thông tin đáng chú ý được nhắc đến là việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại; định hướng tìm kiếm, tham gia, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất, cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng phù hợp chủ trương của Nhà nước. MB chưa công bố chính thức sẽ nhận chuyển giao ngân hàng nào.

Trước đó, ở đại hội cổ đông 2022, cổ đông MB chấp thuận sáp nhập một ngân hàng. Một số nguồn tin cho rằng ngân hàng đó là OceanBank. Tháng 5/2022, OceanBank đã công bố việc ký thoả thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện với MB. Đây được xem là bước đệm chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu OceanBank chính thức được chấp nhận.

MB sắp nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng - Ảnh 1.

Trước đó, ở đại hội cổ đông 2022, cổ đông MB chấp thuận sáp nhập một ngân hàng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch MB - đã có mặt phát biểu với tư cách khách mời. Ông Thái nói: "Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB".

Theo lộ trình của NHNN mà (Chính phủ đã cho phép), MB sẽ phối hợp với OceanBank kiểm tra hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Trước đó, VietinBank từng được giao quản trị OceanBank.

Trong đại hội cổ đông sắp tới, hội đồng quản trị MB sẽ báo cáo việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua vào năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. MB nêu phương án tăng vốn thêm 1.542 tỷ đồng (gồm chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên).

Về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ dự kiến 15% đã được đại hội thường niên 2022 thông qua, hội đồng quản trị MB đề xuất mức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,5% để tăng vốn điều lệ, và phương án trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3,5% trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, đảm bảo năng lực vốn dài hạn và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) của MB trên 10%.

Về định hướng hoạt động năm 2023, hội đồng quản trị MB định hướng tiếp tục phát triển và kiện toàn tập đoàn tài chính MB thông qua việc dự kiến liên doanh với đối tác có năng lực để chuyển đổi hình thức pháp lý MB Cambodia (từ ngân hàng 100% vốn của MB) thành Ngân hàng liên doanh tại Campuchia.

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế MB đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.

Hết năm 2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.


Tác giả: Theo Việt Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết