A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng mạnh từ hôm nay, những khoản tiền gửi trước ngày 23/9 sẽ được tính thế nào?

Có không ít người gửi tiền sau khi nghe tin tăng lãi suất đã dự định tất toán sớm các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn để gửi mới với lãi suất cao hơn. Nhiều người cũng dự định gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng trong thời gian tới.

Ngày 22/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, từ 23/9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm.

Trước quy định mới này, nhiều người gửi tiền không khỏi băn khoăn, đối với các hợp đồng tiền gửi trước ngày 23/9 sẽ được tính lãi suất như thế nào.

Chị Thanh Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vài ngày trước, chị có gửi tiết kiệm số tiền 1 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng với lãi suất tối đa 4%/năm, tức số lãi sau 1 tháng là 3,3 triệu đồng. Bây giờ nghe thông tin lãi suất tối đa đối với kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5%/năm, chị Hằng dự định sẽ tất toán sớm để gửi mới vì số lãi có thể lên gần 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là quy định trần lãi suất của NHNN, hiện nhiều khách hàng như chị cũng chưa rõ bao giờ ngân hàng của mình sẽ chính thức điều chỉnh lãi suất tiền gửi.

Chị Hằng cũng băn khoăn nếu giữ nguyên hợp đồng tiền gửi như vậy, đến khi đáo hạn mà chị không đến ngân hàng tất toán khoản tiết kiệm này, để tự động tái tục thì lãi suất sẽ tiếp tục là 4%/năm hay là 5% hoặc một con số khác cao hơn lãi cũ?

Liên quan tới vấn đề này, trong quyết định 1607 về điểu chỉnh lãi suất, NHNN đã lưu ý: đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (23/9), được thực hiện cho đến hết thời hạn.

Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.

Như vậy, chị Hằng và các khách hàng có băn khoăn tương tự có thể yên tâm rằng nếu khoản tiền gửi đến hạn không tất toán thì sẽ được tái tục kỳ hạn mới với lãi suất theo quy định mới.

Trên thực tế, NHNN mới chỉ điều chỉnh trần lãi suất huy động, việc các ngân hàng thương mại có tăng lãi suất theo hay không và mức tăng bao nhiêu sẽ còn phụ thuộc vào tình hình của từng nhà băng. Không phải ngân hàng nào cũng sẽ nâng lãi suất lên mức tối đa. Do đó, khách hàng cần theo dõi các biểu lãi suất tại ngân hàng mà mình gửi tiền để có quyết định thích hợp.

Mặc dù NHNN chỉ điều chỉnh trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhưng theo nhiều chuyên gia, khi loạt lãi suất điều hành tăng 1% thì lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng tăng lên trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Mức độ tăng giữa các ngân hàng sẽ có sự phân hoá, tuỳ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng nhà băng.

Trên thị trường hiện nay, đối với các khoản tiền gửi của khách hàng thông thường, lãi suất huy động cao nhất là 7,55%/năm tại SCB và CBBank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác có lãi suất từ 7% trở lên như NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank, Sacombank, ABBank,…

Trong khi đó, tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất huy động cao nhất vẫn ở dưới 6%/năm. Ở các kỳ hạn 1-5 tháng, những ngân hàng này cũng chỉ niêm yết 3,1-3,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức tối đa.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã cao hơn so với đầu năm, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với trước dịch Covid-19 (năm 2019). Mức lãi suất huy động liên tục duy trì ở mức thấp cũng khiến cho tiền gửi trở nên kém hấp dẫn khi đặt bên cạnh các kênh đầu tư khác.

Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, động thái nâng trần lãi suất huy động của NHNN là phù hợp với tình hình hiện nay khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng khiến thanh khoản nhiều ngân hàng trở nên căng thẳng thời gian qua. Việc nâng loạt lãi suất điều hành của NHNN có thể sẽ kích thích người dân gửi tiền nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Nhóm phân tích của chứng khoán VNDirect cho biết, sau động thái của NHNN, dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Sang năm 2023, đà tăng của lãi suất tiền gửi sẽ duy trì và dự báo lãi suất huy động tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước dịch là 7,0%/năm.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết