Hà Nội khẩn trương gỡ vướng thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội
Để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Công văn số 4255/UBND-ĐT về việc triển khai thực hiện Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án này.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 và các nghị quyết của Chính phủ, công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ đã được UBND thành phố giao tại Văn bản số 2988/UBND-ĐT ngày 10-9-2024.
Khu nhà ở xã hội Mê Linh (Hà Nội) đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: TTXVN |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp của các cấp, các ngành là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội; thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Thành phố chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội được giao trong năm 2024; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Theo đó, thành phố sẽ chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai, minh bạch. Đối với các dự án đã khởi công xây dựng, thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng.
Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng;... để sớm nhất khởi công, xây dựng. Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Sở Tư pháp Hà Nội kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành khẩn trương hoàn thành việc tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, UBND thành phố để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản theo tiến độ đã được UBND thành phố giao. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử của thành phố, Sở Xây dựng để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở...