A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cơ sở lý luận và việc hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tiếng Anh là “excise tax” được sử dụng trong các văn bản ở Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar... Tuy nhiên, tại một số nước, thì được gọi là “consumption tax” (Trung Quốc), “special consumption tax” (Việt Nam), “luxury sales tax” (Indonesia)... Theo Mc Carten và Stotsky (1995), thuế TTĐB (Excise Tax) hay còn gọi là thuế phân biệt thường được sử dụng để đánh vào một mặt hàng mà Chính phủ không khuyến khích người dân sử dụng (hàng xa xỉ hay hàng hóa không có lợi cho sức khỏe).

Khái niệm về thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo đó, hàng hóa được chọn để đánh thuế thường có một hoặc một số đặc điểm như: việc dùng nó gây ra các ngoại tác tiêu cực, sản phẩm có cầu ít co giãn theo giá; hàng hóa có độ co giãn của cầu theo thu nhập lớn hơn 1; hàng hóa mà việc sản xuất và kinh doanh cần được Chính phủ điều tiết.

Theo Rob Preece (2021), thuế TTĐB là sắc thuế quan trọng trong hệ thống thuế tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách nhà nước do các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB có khối lượng tiêu thụ lớn, ít người sản xuất, lượng cầu ít biến động, dễ xác định và ít có khả năng thay thế. Trong khi đó, chi phí hành thu thuế TTĐB không lớn. Đồng thời, trong vai trò là một sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng nhưng vì là thuế tiêu dùng đặc biệt nên ngoài tính chất là thuế gián thu, thuế TTĐB còn có những đặc điểm riêng biệt.

Theo Nguyễn Thị Lan Hương (2015), “Thuế TTĐB là thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa và dịch vụ đặc biệt thuộc đối tượng hạn chế tiêu dùng, điều tiết tiêu dùng, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thuế TTĐB phải kê khai nộp tại khâu sản xuất và khâu nhập khẩu”. Theo đó, đối tượng chịu thuế TTĐB là những hàng hóa, dịch vụ, theo nhà làm luật, trong một giai đoạn thời gian cụ thể, cần thiết hạn chế tiêu dùng, điều tiết tiêu dùng.

Thực tế ở Nhật Bản, đánh thuế đối với thuốc lá được thực hiện từ năm 1876 dưới dạng tem vào sản phẩm. Trước khi Luật Thuế tiêu dùng được ban hành năm 1989, cho đến năm 1985, thuế tiêu dùng thuốc lá đánh vào công ty nhà nước chuyên doanh sản xuất, bán và nhập khẩu thuốc lá nay là công ty cổ phân công nghiệp thuốc lá. Khoản thu thuế từ tiêu dùng thuốc lá đóng góp vai trò quan trọng trong tạo nguồn thu ngân sách nhà nước Nhật Bản trong thời gian dài. Năm 2010, mục đích tăng thuế suất đối với thuốc lá nhằm giảm người hút thuốc vì mục đích vào vệ sức khỏe.

Có thể thấy, mục đích đánh thuế đối với thuốc lá chuyển từ tạo nguồn thu ngân sách nhà nước sang mục tiêu bảo vệ sức khỏe của con người. Cũng theo tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một số quốc gia như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada không quy định chung các hàng hóa và dịch vụ chịu thuế trong một đạo luật như nước ta mà quy định Luật đánh vào một số hàng hóa thuộc diện TTĐB nhằm hạn chế tiêu dùng, điều tiết tiêu dùng.

Về thuế suất thuế TTĐB, phụ thuộc vào mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết tiêu dùng, nhà làm luật xây dựng thuế suất thuế TTĐB phù hợp. Theo đó, mục tiêu chính của thuế TTĐB là điều tiết, định hướng tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo lập nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Song song với quá trình toàn cầu hóa và các cam kết quốc tế, mục tiêu của thuế TTĐB hướng tới hạn chế tiêu dùng và sản xuất hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường cũng như khuyến khích tiêu dùng và sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường.

Từ những mục tiêu trên, nguyên tắc xác định thuế suất thuế TTĐB phải hướng tới tính đơn giản, tính minh bạch, tính trung lập và tính ổn định của các sắc thuế nói chung và thuế suất thuế TTĐB nói riêng. Qua nghiên cứu cho thấy, các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Brunei, Philipines áp dụng thuế suất đối với ô tô pick up vừa chở người, vừa chở hàng cũng giống như dòng xe khác, không phân biệt giữa các giữa các chủng loại xe; một số nước áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô pick up chở hàng cabin kép ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ. Ví dụ: Campuchia thấp hơn 30%; Thái Lan thấp hơn khoảng 17%...

Thực trạng thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam

Luật Thuế TTĐB hiện hành được Quốc hội Khoá XII thông qua ngày 14/11/2008 tại kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 (thay thế cho Luật TTĐB năm 1999 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB năm 2003, năm 2005). Đến nay, Luật Thuế TTĐB năm 2008 đã qua 03 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2016 và năm 2022. Ngày 13/6/2024, Bộ Tài chính đã dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), đăng tải, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Cụ thể:

Đối tượng của thuế tiêu thụ đặc biệt

Ở Việt Nam, hiện nay, thuế TTĐB đánh vào 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ. Cụ thể:

- Hàng hóa là đối tượng chịu thuế TTĐB gồm: (1) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; (2) Rượu; (3) Bia; (4) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; (5) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; (6) Tàu bay, du thuyền; (7) Xăng các loại; (8) Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; (9) Bài lá; (10) Vàng mã, hàng mã.

- Dịch vụ là đối tượng chịu thuế TTĐB biệt gồm: (1) Kinh doanh vũ trường; (2) Kinh doanh massage, karaoke; (3) Kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự; (4) Kinh doanh đặt cược; (5) Kinh doanh golf bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi golf; (6) Kinh doanh xổ số.

Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

Hiện nay, pháp luật Việt Nam sử dụng phương pháp tính thuế tương đối (sử dụng thuế suất theo tỷ lệ %) để tính thuế TTĐB. Thuế suất thuế TTĐB được quy định theo từng nhóm hàng hóa, nhóm dịch vụ và được phân loại theo tính chất, mức độ của hàng hóa, dịch vụ cần được điều tiết.

Thông thường, mức thuế suất thuế TTĐB tương đối cao, từ 10% đến 150%. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng có định hướng khuyến khích tiêu dùng, thuế suất thuế TTĐB tương đối thấp như xăng E5 thuế suất thuế TTĐB là 8%; xăng E10 thuế suất thuế TTĐB là 7% hay xe ô tô chạy điện thuế suất thuế TTĐB từ 1%-7% tùy theo kiểu loại, số chỗ ngồi và theo thời gian áp dụng luật. Chính sách ưu đãi về thuế TTĐB đối với xe ô tô chạy bằng điện mới được Việt Nam áp dụng từ ngày 01/3/2022.

Một số vướng mắc, hạn chế trong chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt

Qua 04 lần sửa đổi và sau gần 15 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật Thuế TTĐB năm 2008 đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB hiện hành đã bộc lộ những hạn chế nhất định như đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp hơn so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện; mức thuế suất chưa phù hợp nên chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng; chưa có chính sách hoàn thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, sản phẩm thân thiện môi trường...

Nghiên cứu của Lê Thuỳ Linh, Nguyễn Minh Hoàng (2024) chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Thứ nhất, tình hình sử dụng thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao, cho thấy thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, giá bán thuốc lá của Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85% năm 2020; theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất ở người trưởng thành Việt Nam đã tăng từ 2,9 lít/người năm 2005 lên 7,9 lít/người năm 2019. Tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại cũng đang rất phổ biến, đặc biệt ở nam giới (28,3% năm 2021). Hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn thấp, theo tính toán của WHO thuế rượu, bia của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ. Thứ hai, chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường; Thứ ba, cơ sở thuế của Luật thuế TTĐB cần được mở rộng, bao quát thêm. Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 10 nhóm hàng hoá và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, ít hơn so với các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực (Ví dụ: Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 20 nhóm hàng hoá và dịch vụ, Malaysia thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm, Hungary thu thuế TTĐB đối với 22 nhóm...). Tham khảo kinh nghiệm quốc tế gần đây thì nhiều nước đã và đang mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm hạn chế (không khuyến khích) việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về sản xuất, tiêu dùng.

Ngoài ra, hiện có vướng mắc thuế TTĐB với xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (xe pick up), cụ thể như sau: tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TTĐB quy định đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm: “Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng”. Qua thực tế cho thấy, trong lĩnh vực ngân hàng, xe chở tiền đã được sản xuất trên nền xe cơ sở là: xe tải (chuyên để chở hàng), xe vừa chở người và vừa chở hàng (xe pick up và xe van chở hàng) và xe chở người (xe con dưới 9 chỗ). Theo đó, đã phát sinh vướng mắc khi xác định xe bốn bánh chở người gắn động cơ có thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB không, do theo TCVN thì xe bốn bánh chở người có gắn động cơ không được gọi là ô tô. Do đó, đối với mặt hàng ô tô, cần nghiên cứu sửa đổi mô tả “xe vừa chở người vừa chở hàng” cho phù hợp với TCVN 7271:2003, đồng thời điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với loại xe ô tô pick up chở hàng ca bin kép cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính công bằng đối với các đối tượng chịu thuế và không gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Để giải quyết các vướng mắc trên, dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội về thuế, phí như sau: “Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế…”.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 có đưa ra một số định hướng liên quan đến chính sách thuế, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”. Chiến lược nêu rõ, về cải cách chính sách thuế, tiến tới hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, bao gồm sắc thuế TTĐB. Theo đó, đối với thuế TTĐB, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế TTĐB một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.

Trên cơ sở định hướng sửa đổi Luật Thuế TTĐB nêu trên và thực trạng thuế TTĐB trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng các chính sách tại đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), cụ thể:

Thứ nhất, mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp).

Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...

Thứ hai, điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng; tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Giải pháp là bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác (Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế bảo vệ môi trường, Tiêu chuẩn Việt Nam về Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô...).

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, trên cơ sở định hướng chung của Đảng nêu trên và các vướng mắc từ thực tiễn, kinh nghiệm xây dựng chính sách thuế TTĐB của một số quốc gia, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa thành những chính sách thuế TTĐB tại hồ sơ án Luật và đang khẩn trương hoàn thiện nội dung, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định, đúng tiến độ đặt ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi-6598;
  2. Nguyễn Thị Lan Hương (2015), Pháp luật thuế, lý luận, lịch sử, thực trạng và so sánh, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật;
  3. Trần Vũ Hải (2019), “Thuế TTĐB đối với đồ uống - thực tế áp dụng và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 6(382) Tháng 3/2019, xem: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210272;
  4. Lê Thuỳ Linh, Nguyễn Minh Hoàng (2024), “Pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam và xu hướng hoàn thiện”, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2024, tr 6-9, https://tapchitaichinh.vn/phap-luat-ve-thue-tieu-thu-dac-biet-o-viet-nam-va-xu-huong-hoan-thien.html;
  5. Lê Sơn, Báo điện tử Chính phủ ngày 09/7/2024, “Quy định của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kinh doanh ô tô chở tiền gây thất thu thuế”, xem: https://baochinhphu.vn/quy-dinh-cua-thue-tieu-thu-dac-biet-trong-kinh-doanh-o-to-cho-tien-gay-that-thu-thue-102220705144148839.htm;
  6. Michel Bouvier, Marie-Christine Escalssan, Jean-Pierre Lassale (2005), Tài chính công, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật;
  7. Rob Preece (2012), “Excise taxation of key commodities across South East Asia: a comparative analysis ahead of the ASEAN Economic Community in 2015”, xem: https://worldcustomsjournal.org/Archives/Volume%206%2C%20Number%201%20(Mar%202012)/02%20Preece.pdf.

Tác giả: ThS. Trương Huỳnh Thắng - Văn phòng (Bộ Tài chính), ThS. Phạm Quang Huy - Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết