A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bộ Tài chính tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với cải cách công vụ

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một trong những nội dung được Bộ Tài chính chú trọng triển khai trong công tác cải cách hành chính. Theo đó, Bộ Tài chính đã không ngừng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với cải cách công vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ.

Cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai tổ chức bộ máy nội bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị theo hướng một việc chỉ giao một tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm chính đảm bảo cơ cấu tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành.

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản để rà soát, hoàn thiện vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế. Trong đó, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 03/6/2022 về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; có công văn xin ý kiến các Bộ, ngành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy giảm 02 đầu mối đơn vị cấp Chi cục thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đồng thời thành lập mới 01 Chi cục thuộc Tổng cục Hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý theo hướng đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hành chính nhà nước.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa Ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Năm 2022, Bộ Tài chính được giao 66.836 biên chế công chức (giảm 10% so với năm 2015) đúng với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 23 trường hợp theo quy định. Đồng thời, kịp thời ban hành các văn bản về giao chỉ tiêu biên chế và tinh giản biên chế trong năm 2022.

Việc quản lý và sử dụng biên chế được thực hiện chặt chẽ, tập trung, thống nhất, phân bổ biên chế có nguyên tắc, linh hoạt trên cơ sở gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và phù hợp với quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành Tài chính. Công tác tinh giản biên chế đã được triển khai nghiêm túc theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, có lộ trình và kế hoạch cụ thể, đảm bảo các chế độ, chính sách đối với công chức tinh giản theo quy định

Cải cách công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Chú trọng đến cải cách công vụ, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành; tăng cường quản lý, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng công chức, viên chức và người lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính.

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng được triển khai hiệu quả. Bộ Tài chính thực hiện công tác này theo đúng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức viên chức ngành Tài chính hằng năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành các Quyết định phê duyệt 05 kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức năm 2022 với 263 chỉ tiêu; cử công chức, viên chức tham gia các khóa học trong nước là 233 lượt; 01 viên chức đi học nước ngoài; cử xét tuyển đào tạo cao cấp lý luận chính trị năm 2022 cho 131 công chức, viên chức.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị cụ thể. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức toàn ngành; gắn việc đào tạo, bổi dưỡng với thực tiễn, đảm bảo đúng quy định, đúng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa...

Trong tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, đồng thời hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô phù hợp, tăng cường tính liên thông, thống nhất, thông suốt trong hoạt động quản lý của ngành tài chính, đảm bảo một tổ chức có thể thực hiện nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, tăng cường tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải trình phát huy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết