Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế
Ngày 17/5, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, diễn ra họp báo về Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2024.
Chương trình lễ hội nhằm quảng bá, bảo tồn và phát triển ngành sâm và hương liệu, dược liệu Việt Nam, tạo môi trường cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng giao lưu, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có thế mạnh về sâm và hương dược liệu.
Lễ hội sẽ có sự tham gia từ đại diện bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu như: Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, 20 địa phương trong nước và 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã.
Với quy mô 32 gian hàng thương mại quốc tế, 25 gian hàng triển lãm địa phương với gần 70 sản phẩm từ sâm tươi và các sản phẩm chế biến từ sâm; gần 40 gian hàng ẩm thực Việt Nam/quốc tế, lễ hội là dịp các địa phương và doanh nghiệp giao lưu, quảng bá những sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu chất lượng, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá thương hiệu sâm và hương liệu, dược liệu đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế cho biết, lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 24 - 26/5 tại trục đường Lê Lợi, thuộc phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
“Ngành sâm và hương liệu, dược liệu là một trong những ngành thế mạnh của Việt Nam. Các sản phẩm hiện nay đã và đang được xuất khẩu sang các nước trên thế giới và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, qua đó, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá thương hiệu sâm và hương liệu, dược liệu đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế”, ông Duy nói.
Ngày 1/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu cụ thể với ngành nhân sâm đến năm 2030 là bảo tồn nguồn gen Sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; mở rộng diện tích trồng Sâm Việt Nam; tăng sản lượng sản xuất Sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi.