Không vì thành tích mà làm méo mó cuộc thi
Vừa qua, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức Diễn đàn “Có nên tiếp tục tổ chức thi học sinh giỏi cấp THCS?”. Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc đồng tình với quan điểm nên dừng cuộc thi, hoặc nếu tiếp tục tổ chức thì cần có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, tránh chạy theo thành tích, tạo áp lực không đáng có với nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo QĐND đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Phóng viên (PV): Đồng chí có nhận định gì qua các ý kiến của chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và học sinh được đăng tải trên Báo QĐND?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Tôi thấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, học sinh... được đăng tải trên diễn đàn do Báo QĐND tổ chức là có cơ sở. Mặc dù hầu hết học sinh THCS được các thầy, cô giáo phát hiện, bồi dưỡng tham gia thi học sinh giỏi ở các địa phương đều là những học sinh có năng khiếu, hứng thú với môn học mình đã chọn, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận học sinh được cha mẹ, nhà trường dành quá nhiều thời gian đầu tư ôn luyện môn học đăng ký dự thi, ảnh hưởng tới thời gian dành cho các môn học còn lại. Điều đó ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của bản thân các em. Trên thực tế, có những học sinh tuy đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi ở cấp THCS nhưng lại không thành công ở môn học đó khi học lên THPT, trong khi đó nhiều học sinh trúng tuyển vào THPT chuyên đến từ các trường THCS ở những vùng khó khăn và chưa từng thi học sinh giỏi cấp THCS.
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN |
PV: Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu gì cho kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS? Qua nhiều năm tổ chức có đạt được các mục tiêu đề ra không, thưa đồng chí?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Bộ GD-ĐT chỉ quy định thi học sinh giỏi ở cấp THPT. Việc có tổ chức thi học sinh giỏi cấp THCS hay không là do các tỉnh/thành phố quyết định. Nếu tổ chức thì việc thi học sinh giỏi cấp THCS nhằm thực hiện mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, sở trường đối với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Khi các em học sinh cùng học các môn học như nhau, sẽ có những em bộc lộ năng khiếu, sở trường trội hơn. Việc tổ chức kỳ thi giúp cho học sinh được cọ xát, định hướng, thể hiện tài năng, khích lệ các em theo đuổi đam mê. Việc một năm tổ chức thi một lần cũng là bình thường và cần thiết trong quá trình giáo dục để tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.
Tiết Tin học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia (Lạng Sơn). Ảnh: TRANG HUYỀN |
PV: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS như Báo QĐND phản ánh?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập hiện nay là áp lực từ thành tích-khi có nơi đưa kết quả trở thành một trong những tiêu chí thi đua hoặc lấy kết quả thi học sinh giỏi cấp THCS để ưu tiên hoặc tuyển thẳng trong tuyển sinh vào THPT. Việc lấy kết quả thi học sinh giỏi làm tiêu chí đánh giá thi đua là không công bằng giữa các nhà trường, giáo viên ở vùng thuận lợi với các vùng còn khó khăn; giữa các thầy, cô giúp các em học sinh yếu kém tiến bộ với các thầy, cô bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải.
Ngoài ra, nội dung đề thi cũng là một nguyên nhân khiến cho việc đầu tư ôn luyện của học sinh chưa hiệu quả, gây áp lực không tích cực. Nếu đề thi học sinh giỏi các môn học đòi hỏi học sinh phải có kiến thức về các môn học có liên quan, sự hiểu biết toàn diện, thực tế hơn, đòi hỏi học sinh phải có năng lực thực sự thì việc đầu tư, ôn luyện của học sinh tuy vẫn là áp lực nhưng đó là áp lực cần thiết giúp các em phát triển năng lực của bản thân một cách hiệu quả. Khi đó “áp lực” lại chính là động lực để phát triển bản thân.
PV: Vậy theo quan điểm của đồng chí thì có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi này hay không? Nếu tiếp tục thì cần điều chỉnh thế nào, Bộ GD-ĐT có định hướng, chỉ đạo gì không?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Như tôi đã đề cập ở trên, mục đích của việc thi là tốt, cần thiết trong quá trình dạy học và giáo dục để học sinh phát huy hết tiềm năng bản thân. Tuy nhiên, cần phải điều chỉnh để khắc phục những hạn chế đã nêu.
Thay đổi đầu tiên là cách chúng ta ứng xử với kết quả của cuộc thi. Kết quả của cuộc thi chỉ nên dừng ở mức khen thưởng, động viên bằng nhiều hình thức như bằng khen, giấy khen, vật chất... chứ không lấy kết quả làm một trong những tiêu chí đánh giá thi đua. Chúng ta cần biến áp lực trở thành động lực. Từ áp lực là phải có giải để đánh giá thi đua, hãy đưa cuộc thi trở thành động lực, tạo niềm đam mê hứng khởi học tập, phát triển năng lực nội tại của bản thân mỗi học sinh-có như thế, xã hội cũng sẽ nhận thấy việc tổ chức thi là cần thiết.
Vấn đề thứ hai cần thay đổi đó chính là đề thi. Cố gắng để đề thi hướng đến việc tìm kiếm được các học sinh có năng lực, biết áp dụng kiến thức môn học ấy vào thực tiễn cuộc sống như tôi nói ở trên. Chúng ta phải có các đề thi có thể tìm được học sinh giỏi trội hơn trên nền tảng các môn học liên quan, thấy được năng lực tổng hợp của các em và tìm ra được những học sinh giỏi thực chất... Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận thông qua các diễn đàn như Báo QĐND tổ chức để nếu cần sẽ có các giải pháp về quản lý, tham mưu, hướng dẫn nhằm đưa cuộc thi đi đúng hướng và đạt được hiệu quả như mong muốn!
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HUYỀN TRANG (thực hiện)