A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Khát vọng về tác phẩm văn nghệ xứng tầm với mốc son Điện Biên Phủ

Lâu nay, công chúng và giới văn nghệ sĩ đều có chung nhận định: Chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với những chiến công, thành tựu hiển hách của thời đại Hồ Chí Minh.

Văn học, nghệ thuật về đề tài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là một ví dụ minh chứng cho nhận định này. Đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang khơi gợi mối quan tâm đối với chiến thắng “chấn động địa cầu” nhìn từ góc độ sáng tạo văn nghệ, từ trách nhiệm của văn nghệ sĩ.

Nhu cầu tiếp tục tất yếu

Đông đảo người hoạt động văn nghệ gồm cả nhà sáng tác, giới nghiên cứu, phê bình và các nhà quản lý, lãnh đạo các hội nghề nghiệp cũng sẽ có quan điểm chung, là dù đã có nhiều tác phẩm thành công về mốc son Điện Biên Phủ nhưng như thế chưa đủ, vẫn phải tiếp tục tạo ra các tác phẩm trong thời đại hôm nay về đề tài lớn lao này.

Theo độ lùi thời gian đối với dấu son lịch sử 70 năm trước thì mong ước có được các tác phẩm đồ sộ, dày dặn, sâu sắc hơn những gì đã có về Chiến dịch Điện Biên Phủ cả về chiến thắng lẫn mất mát, đau thương vẫn là ước mong. Đó vẫn là một mục tiêu để những người sáng tác vươn tới, mặc dù trong cuộc sống bộn bề hôm nay, rất nhiều đề tài khác của thời cuộc, của xu hướng, của cộng đồng, của cá nhân cũng hấp dẫn không kém. Thậm chí có khi các đề tài gắn liền với biến động cộng đồng, với đời sống cá nhân trong bối cảnh đương đại còn lấn át, còn được nhiều người sáng tác và công chúng quan tâm hơn mảng đề tài về chiến tranh cách mạng.

 Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ-Vang mãi thiên sử vàng” do Tổng cục Chính trị tổ chức, tháng 4-2024. Ảnh: PHẠM HƯNG

Nền văn nghệ nước nhà đã có nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ được đánh giá cao. Có thể kể đến “Chiến thắng Điện Biên”, “Trên đồi Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Bế Văn Đàn còn sống mãi” của nhạc sĩ Huy Du; tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng và ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân; hồi ức “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện; các bộ phim truyện, phim tài liệu: “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Hoa ban đỏ”, “Ký ức Điện Biên”, “Đường lên Điện Biên”; vở chèo “Mối tình Điện Biên” của Lưu Quang Thuận, “Ánh sao đầu núi” của Tào Mạt-Hoài Giao... Nhưng điều đó vẫn chưa khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, đổi mới, mở rộng cách nghĩ, cách thể hiện về chủ đề, đề tài Điện Biên Phủ. 

Những con đường mới lên chiến trường xưa

Cùng với câu hỏi làm gì để có những tác phẩm xứng tầm hơn với Chiến thắng Điện Biên Phủ, với lịch sử kháng chiến chống Pháp, có lẽ cần nghĩ nhiều hơn đến câu hỏi: Làm gì để có nhiều hơn những hoạt động thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật xứng tầm với quy mô, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ?

Mong ước lớn, lâu dài về những tác phẩm lớn, tác phẩm trong đời sống đương đại về Điện Biên Phủ thì cần có các điều kiện cần thiết cho sự hun đúc, xúc tác để hình thành nên những tác phẩm mới. 

Trong chuyến công tác Điện Biên mới đây, chúng tôi có dịp tham quan các di tích lịch sử, gặp gỡ một số văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa thông tin trên địa bàn. Cùng với đó, quan sát thực tế đời sống, cảnh quan, không gian TP Điện Biên Phủ và một số địa bàn lân cận, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tiềm năng cho việc tổ chức các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật về các mảng đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ, kháng chiến chống thực dân Pháp...

Liên tưởng về thời kỳ kháng chiến và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều văn nghệ sĩ đã ở vị trí xung kích, bám sát các đơn vị chiến đấu, có mặt ở Điện Biên Phủ cũng như quan tâm sâu sắc đến tình hình chiến đấu của quân ta, để sau này cho ra đời những tác phẩm có sức sống bền lâu đến hôm nay. Từ đó, nghĩ đến hôm nay, trong bối cảnh hiện tại, có thể tổ chức các chuyến thực tế, trải nghiệm không gian chiến trường xưa, tham quan các không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh, nghiên cứu các tài liệu còn lưu giữ nhiều trong các bảo tàng, di tích, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn đến hôm nay cũng như hậu duệ của họ... Qua đó sẽ giúp khơi gợi cảm hứng, hình thành ý tứ, đề tài sáng tạo cho các tác phẩm văn nghệ khắc họa hình tượng người chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, cán bộ, sĩ quan Quân đội ta, đồng bào các dân tộc Tây Bắc và miền xuôi hướng về Điện Biên Phủ, và cả chỉ huy, binh lính bên phía địch với vô vàn những tâm trạng, cảm xúc của những người trong cuộc.

Hình thức tổ chức nên thiên về thâm nhập thực tế theo cá nhân, nhóm nhỏ, trải nghiệm sâu trong thời gian tương đối dài hoặc đủ lâu theo nhu cầu khảo sát, sáng tạo cần thiết của mỗi văn nghệ sĩ. Tránh việc tổ chức đông đúc, ồn ào, thời gian ngắn, thiên về gặp gỡ, giao lưu, không kịp tích lũy, thẩm thấu những số phận con người, tình huống lịch sử, chi tiết đời sống... đa dạng, sâu sắc vốn vẫn còn đó đây giữa đời thường.

Đầu tư sáng tác thỏa đáng, phù hợp

Để có được những hoạt động như vậy, với thực tế đời sống xã hội và hoạt động sáng tác văn nghệ nói chung hiện nay, việc đầu tư cho sáng tạo là cần thiết, và cũng như mong ước về tác phẩm xứng tầm thì cũng dễ gợi đến ý nghĩ về đầu tư xứng tầm.

Khi nói xứng tầm về chế độ bồi dưỡng trong quá trình thực tế, thù lao trong quá trình sáng tạo và nhuận bút, cát-xê, khen thưởng... sau khi tác phẩm được hoàn thành, công bố hoặc chế độ tôn vinh bằng danh hiệu, vật chất sau thời gian tác phẩm ra với đời sống, được công chúng ghi nhận... thì thật vô cùng. Có lẽ sự xứng tầm đó cần được giới hạn bằng tính thỏa đáng, phù hợp trong bối cảnh cụ thể khi văn nghệ sĩ bước vào chặng đường lao động nghề nghiệp để tiến tới việc thực hiện tác phẩm. Thí dụ như, cần có sự bảo đảm chu toàn về điều kiện đi lại, sinh hoạt trong quá trình thực tế, khảo sát; cần có các mức chi phù hợp cho từng chặng sáng tạo của văn nghệ sĩ, ví dụ như khi hoàn thành đề cương, khi thực hiện được một nửa tác phẩm, khi hoàn thiện, nghiệm thu; cần có đầu tư thỏa đáng và bảo đảm đầy đủ cho việc đưa tác phẩm ra xã hội như in ấn sách, tổ chức triển lãm tranh, ảnh, ghi âm, phối khí tác phẩm âm nhạc, dàn dựng tác phẩm múa, sân khấu, phim... Mức chi và thù lao cho các lĩnh vực văn học, nghệ thuật này lại có nhiều nét chênh lệch căn cứ vào chi phí thực tế của thị trường. Chính vì thế, rất cần nắm bắt, nghiên cứu thực tiễn để vận dụng phù hợp trên cơ sở áp dụng cơ chế, chính sách về thù lao, nhuận bút, hỗ trợ cho văn nghệ sĩ, có linh hoạt bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Để sự đầu tư của Nhà nước, địa phương, ngành văn hóa, hội nghề nghiệp cũng như từ nguồn xã hội hóa nếu có, không bị lãng phí, dàn trải thì ngay từ các khâu tổ chức, sàng lọc, lựa chọn, đánh giá khả năng, năng lực văn nghệ sĩ tham gia hoạt động sáng tác cũng phải rất cẩn trọng, chặt chẽ. Có như thế thì việc “chọn mặt gửi vàng” mới được bảo đảm ở mức độ cao nhất.

Mở đường cho thế hệ tương lai

Bên cạnh những chính sách và hành động đầu tư, tổ chức đi thực tế và sáng tác trong hiện tại và thời gian tới thì cũng cần chăm chút, định hướng, kết nối lớp người trẻ tuổi đang được đào tạo về sáng tác văn học, nghệ thuật và các văn nghệ sĩ trẻ với không gian lịch sử, văn hóa của Điện Biên Phủ. Những cuộc tham quan, dã ngoại, thực tế, thực tập sáng tác về chiến trường xưa trên miền chiến địa, ở nơi lưu dấu tích bi tráng, hào hùng... về con người và chiến trận ở Điện Biên Phủ dành cho sinh viên sáng tác, văn nghệ sĩ trẻ cũng cần được kiến tạo, chăm chút. Mảng đề tài này cần được dành thời lượng phổ biến nhất định về nội dung tư liệu lịch sử, về lịch sử sáng tác, phương pháp sáng tác mà các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước đã thực hiện, để đưa vào chương trình học tập, thực hành của các văn nghệ sĩ tương lai. Đặc biệt là việc giúp lớp trẻ tiếp cận, thưởng thức tác phẩm văn học, nghệ thuật về Điện Biên Phủ qua nhiều thời kỳ. Đó cũng chính là cách khơi gợi mối quan tâm, nhen lên cảm hứng và nuôi dưỡng ý thức sáng tạo về Điện Biên Phủ trong những người trẻ.  

Chọn lọc đối tượng, tổ chức sâu sát, đầu tư tương xứng lao động thực tế và công sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, đầu tư cần thiết cho việc đưa tác phẩm đến công chúng... là những điểm cần lưu ý để tiếp tục nhân lên những sáng tác văn học, nghệ thuật giai đoạn mới về đề tài Điện Biên Phủ. Có sự quan tâm chăm lo thì sẽ thêm nhiều công trình văn học, nghệ thuật đặc sắc khi trong hòa bình, phát triển, những chiến thắng vĩ đại càng được nhận rõ hơn về tầm vóc và giá trị lâu bền.

Nhà thơ NGUYỄN QUANG HƯNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết