A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Diễn đàn, tọa đàm: Tránh hình thức, cứng nhắc theo kịch bản

Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn (sau đây gọi chung là tọa đàm) để lắng nghe, giải đáp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ.

Đây là cách làm rất hay, tuy nhiên, thực tế cho thấy ở không ít đơn vị hiện nay, việc thảo luận, phát biểu ý kiến của bộ đội chưa thực sự sôi nổi, chưa nói lên tâm sự thật, ngược lại, các ý kiến tham gia đóng góp còn chung chung, mang tính chỉ định “theo kịch bản” và đã được “thông qua” từ trước.

Không những thế, tâm lý “ngại ý kiến”, “sợ ý kiến” vẫn là vấn đề tồn tại ở nhiều buổi tọa đàm. Giải pháp nào để nâng cao chất lượng các buổi tọa đàm? Ghi nhận của chúng tôi tại Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Buổi tọa đàm “Cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ khát vọng, bản lĩnh, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Phòng không-Không quân ưu tú” của Trung đoàn 274, Sư đoàn 377.

“Đạo diễn” ý kiến phát biểu

Để làm nên thành công của một buổi tọa đàm, công tác chuẩn bị là khâu cực kỳ quan trọng từ việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung, chương trình và chạy chương trình... Tuy nhiên, điểm mấu chốt của một buổi tọa đàm phải là giá trị các ý kiến của đại biểu tham gia nhưng gần như lại “theo kịch bản”.

Như vậy, vô hình trung, buổi tọa đàm trở thành buổi “diễn” ý kiến hơn là trao đổi ý kiến, mất đi sự sôi nổi, sáng tạo và tính dân chủ của tọa đàm. Đối với những đồng chí không tham gia phát biểu ý kiến, thực tế không phải họ không có năng lực mà đôi khi vì thiếu tự tin, sợ mình phát biểu sai ý đồ “đạo diễn” nên dẫn đến tâm lý ngại và không dám phát biểu ý kiến. Thiết nghĩ, trong các buổi tọa đàm, nên khuyến khích bộ đội đưa ra những ý kiến, suy nghĩ, sáng kiến của họ, có thể sẽ có ý kiến trái chiều, nhưng cũng là dịp để lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm bắt, giải đáp, định hướng tư tưởng cho bộ đội.

Đại tá Vũ Cao Thép, Phó chính ủy Sư đoàn 377, cho biết: “Việc định hướng các vấn đề để bộ đội tập trung ý kiến là rất tốt, nhưng phải tránh việc “đạo diễn” ý kiến phát biểu theo ý muốn của ban tổ chức. Đồng thời, cần khuyến khích các ý kiến phát biểu mang tính tự giác, đúng suy nghĩ của bộ đội. Việc trao đổi, bàn luận, tranh luận càng sôi nổi, thu hút được đông đảo bộ đội tham gia càng chứng tỏ nội dung tọa đàm đúng, trúng vấn đề bộ đội quan tâm và sự thành công trong công tác tổ chức”.

Để bộ đội mạnh dạn bày tỏ ý kiến

Không ít đơn vị thường tổ chức tọa đàm theo mô-típ như sau: Đưa nội dung chủ đề, câu hỏi cho một vài đại biểu để chuẩn bị nội dung và phải “thông qua”. Những đồng chí nào đã được chuẩn bị thì... xung phong, hoặc người dẫn chương trình chỉ định. Có đơn vị tổ chức bằng hình thức hái hoa dân chủ, nhưng cách chuẩn bị cũng tương tự, làm mất đi khả năng độc lập, sáng tạo của bộ đội nên không đạt được mục đích của buổi tọa đàm, nơi mà lẽ ra cán bộ, chiến sĩ phải bày tỏ ý kiến đúng với suy nghĩ của bản thân. Vì thế, cần tổ chức các buổi tọa đàm bằng nhiều hình thức, kết hợp hài hòa, tạo được sự mềm mại, không khí sôi nổi, thoải mái, tránh hình thức, khô khan, nhàm chán.

 Việc khuyến khích bộ đội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại các buổi tọa đàm đã tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 377 hăng say lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh: Kíp chiến đấu Đại đội 2, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 377 huấn luyện quan sát, phát hiện mục tiêu trên không.

Tại Sư đoàn 377, để nâng cao chất lượng và sức hấp dẫn của các buổi tọa đàm, đơn vị đã lồng ghép những chủ đề nổi cộm, được nhiều người quan tâm thông qua các video clip dẫn dắt, sau đó mới đưa ra thảo luận, “mổ xẻ”, làm rõ vấn đề.

Thực tế, cách làm này không khác nhiều so với hình thức “truyền thống”, song qua xem video clip, cán bộ, chiến sĩ tham gia đã tư duy tốt hơn về vấn đề họ sẽ thảo luận. Cách làm này mang màu sắc tuổi trẻ, phù hợp hơn với tâm lý, sở thích của đối tượng trẻ, thu hút người xem bằng hình ảnh trực quan sinh động, bằng nội dung cụ thể mà video clip đã truyền tải, như vậy sẽ hay hơn rất nhiều so với cách làm “truyền thống”.

Như tại buổi tọa đàm “Cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ khát vọng, bản lĩnh, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Phòng không-Không quân ưu tú” của Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377), trước khi bước vào thảo luận, đơn vị phát một số video clip dẫn dắt có nội dung đề cập đến các vấn đề đang được quan tâm như mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ; thách thức của sĩ quan trẻ trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; những khó khăn ảnh hưởng tới việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Từ đó, các đại biểu tham gia không chỉ thảo luận quanh câu hỏi do người dẫn chương trình đưa ra mà còn bàn luận, đi sâu làm rõ nhiều vấn đề liên quan với những ví dụ, dẫn chứng ngay trong thực tế. Ngoài ra, để tăng tính thuyết phục, nhiều câu hỏi của bộ đội còn được trả lời bằng chính những “nhân chứng sống” là các cán bộ trẻ điển hình tiên tiến trong đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, lập nhiều thành tích, được tập thể tín nhiệm cao.

Trò chuyện về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Công Thức, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 274, cho biết: “Hình thức tọa đàm có video clip dẫn dắt đem lại hiệu quả khá tốt nhưng sẽ mất nhiều thời gian, công sức trong chuẩn bị nội dung. Điều quan trọng là người chủ trì hay dẫn chương trình phải là người có vốn hiểu biết rộng, khả năng tư duy nhanh nhạy để tổng hợp những vấn đề then chốt nhất mà các đại biểu thảo luận trong buổi tọa đàm, cũng như biết định hướng nội dung để bộ đội thấy được đâu là vấn đề then chốt, tránh tình trạng hiểu chung chung, lan man, không rõ ràng”.

Còn Trung úy Đinh Công Đức, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 114, Trung đoàn 274, chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng cán bộ “ngại ý kiến”, “sợ ý kiến” tại các buổi tọa đàm, bên cạnh việc đổi mới cách thức dẫn dắt vấn đề, có thể áp dụng thêm các hình thức như: “Lá thư cán bộ trẻ”, “hộp thư dân chủ”, “cán bộ hỏi-cấp trên trả lời”... bằng cách viết nội dung câu hỏi để lãnh đạo, chỉ huy các cấp giải đáp ngay tại buổi tọa đàm”.


Tags: Tọa đàm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết