95 năm Ngày thành lập Đảng: Gắn kết bền chặt giữa Đảng với đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, tại tỉnh Khánh Hòa, công tác xây dựng, tổ chức Đảng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Việc chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên và củng cố cơ sở Đảng ngày càng được đẩy mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các đảng viên là người dân tộc thiểu số đã khẳng định vai trò tiên phong và gương mẫu, trở thành cầu nối quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
*Tăng cường sức mạnh của tổ chức Đảng cơ sở
Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Raglai, T'rin...
Huyện Khánh Vĩnh là địa phương đã đạt những bước tiến vượt bậc trong công tác xây dựng Đảng. Tỷ lệ đảng viên tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự thay đổi diện mạo địa phương. Huyện đã phát huy tốt vai trò của các đảng viên người dân tộc thiểu số. Những tấm gương đảng viên trẻ tuổi năng động tại xã Khánh Trung đang trở thành nhân tố tích cực lan tỏa tinh thần đổi mới trong cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay, trong số đảng viên mới được kết nạp tại địa phương có 40% là người dân tộc thiểu số. Đây là nguồn lực quan trọng để tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng tại cơ sở.
Các giải pháp đổi mới công tác phát triển Đảng, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Năm 2024, Đảng bộ xã Khánh Trung đã phát triển được 10 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 115 người.
Một trong những tấm gương sáng tiêu biểu ở huyện Khánh Vĩnh là già làng Cao Ri Nâng ở xã Khánh Thành. Với những đóng góp bền bỉ, già làng vừa được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bằng uy tín và sự tâm huyết, già làng Cao Ri Nâng đã trở thành một tấm gương cho tinh thần vượt khó, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, văn minh.
Hay như đảng viên Cao Quốc Đinh, người con của đồng bào Raglai, sinh năm 1964, là người có uy tín tại xã Khánh Trung. Ông không chỉ dẫn dắt bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, mà còn đi đầu trong các hoạt động phát triển kinh tế. Với vai trò là người có uy tín, ông Đinh đã vận động đồng bào áp dụng các mô hình sản xuất mới, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống. Sự gương mẫu và nhiệt huyết của ông đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận ở địa phương.
Điển hình về đảng viên trẻ có Pi Năng Thị Rê En, (dân tộc T'rin - một nhánh của người K'Ho), 27 tuổi, ngụ tại xóm Suối Cát, xã Khánh Trung. Chị Pi Năng Thị Rê En được bà con trong buôn làng tin tưởng, xem là tấm gương điển hình, vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên quyết tâm học tập.
Từ nhỏ, Pi Năng Thị Rê En đã nhận thức được chỉ có tri thức mới giúp thay đổi cuộc sống. Từ năm lớp 6 đến lớp 12, dù phải đạp xe xa gần 10km để đến trường Pi Năng Thị Rê En vẫn kiên trì để tốt nghiệp Trung học phổ thông và sau đó hoàn thành chương trình Trung cấp Thú y. Với mong muốn cống hiến cho quê hương, chị tích cực vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sau nhiều năm phấn đấu, Pi Năng Thị Rê En đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 2024. Chị không chỉ tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động thanh niên địa phương tránh tảo hôn, mà còn hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả thiên tai.
Pi Năng Thị Rê En chia sẻ: “Là đảng viên trẻ, tôi cần đi đầu trong việc thay đổi nhận thức cho bà con. Tôi thường nhấn mạnh với các hộ gia đình về việc cho con cái đi học để có kiến thức, nghề nghiệp, từ đó thoát nghèo. Bà con trước đây thường có suy nghĩ chỉ cần làm nông, không cần học, nhưng giờ đã bắt đầu thay đổi. Họ hiểu rằng học tập không chỉ để có việc làm tốt hơn mà còn giúp cải thiện đời sống tinh thần, nhận thức xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia vận động các bạn trẻ không được tảo hôn, mà hãy học nghề, có kỹ năng trước rồi mới lập gia đình khi đủ tuổi theo quy định. Đây là cách để bảo đảm tương lai của chính họ và con cái sau này".
*Phát huy vai trò của những người có uy tín
Bà Cao Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung cho rằng: Phát triển đảng viên trẻ, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có ý nghĩa rất quan trọng. Trước tiên, các đảng viên chính là lực lượng nòng cốt giúp đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với bà con. Tại Khánh Trung, với hơn 3.000 dân và 115 đảng viên, xã xác định rõ để phát triển bền vững, cần tập trung vào những người trẻ có năng lực và tâm huyết với cộng đồng. Ý nghĩa lớn nhất chính là việc chọn những cá nhân tiêu biểu, những người hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động. Đây không chỉ là việc kết nạp thêm số lượng đảng viên, mà còn là xây dựng lực lượng vững mạnh, gương mẫu, đủ sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đảng.
Bà Thanh cũng cho rằng việc kết nạp Đảng cần ưu tiên những người có uy tín trong cộng đồng, người dân tiêu biểu như hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, phụ nữ giỏi và cũng là người có khả năng tuyên truyền, vận động hiệu quả, không nhất thiết phải là cán bộ hay công chức trong bộ máy chính quyền.
Khánh Sơn là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, có 8 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là nơi sinh sống của 13 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số Raglai chiếm 73,54% dân số toàn huyện.
Ở Khánh Sơn, Đảng bộ huyện đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo thông qua việc phát triển đội ngũ đảng viên chất lượng, trong đó chú trọng đảng viên người dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ đảng viên người dân tộc thiểu số tại huyện chiếm gần 50%.
Theo báo cáo của Huyện ủy Khánh Sơn, năm 2024, toàn Đảng bộ đã kết nạp 82 đảng viên, đạt 114% so với kế hoạch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã kết nạp được 353 đảng viên, đạt 100,1% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện là 1.603 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 49,15%.
Theo ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, nông nghiệp hiện là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Chính lĩnh vực này đã trở thành "chìa khóa" giúp Khánh Sơn thoát nghèo nhanh chóng trong những năm qua khi nhiều cây trồng có giá trị cao như: sầu riêng, mía tím, chôm chôm... được chú trọng sản xuất; mở ra cơ hội để người dân vươn lên trở thành những hộ khá, giàu. Toàn huyện hiện có 29 người được tôn vinh là người có uy tín trong cộng đồng, trong đó 24 người là đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.
Ông Bùi Hoài Nam chia sẻ thêm: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò của những người có uy tín, đặc biệt là những cá nhân có thu nhập cao từ các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại địa phương. Họ chính là hình mẫu để nhân rộng các mô hình sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân bám đất, bám vườn, làm giàu bền vững. Huyện cũng đặt mục tiêu cụ thể về số hộ thoát nghèo bền vững và tỷ lệ hộ khá, hộ giàu trong cộng đồng dân tộc thiểu số."
Việc gắn kết chặt chẽ giữa Đảng với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng khó khăn. Những tấm gương đảng viên trẻ tuổi, tâm huyết và có uy tín đã trở thành cầu nối đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người dân, lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên./.
Đặng Anh Tuấn