‘Tắt đèn bật ý tưởng’: 14 năm kiên trì ‘xanh hóa’ nhằm chứng minh cho cả thế giới thấy giá trị của bảo vệ môi trường với doanh nghiệp
Với “Tắt đèn bật ý tưởng”, “chúng tôi không muốn bị coi là chỉ đang quảng cáo đánh bóng tên tuổi”, CEO Đỗ Việt Anh của hãng thời trang Boo chia sẻ.
Năm 2022, ngành thời trang nhanh thế giới chấn động vì vụ kiện tại Thụy Điển khi một thương hiệu nổi tiếng bị cho là lừa dối người tiêu dùng với chiêu trò “Quảng cáo xanh” (Greenwashing). Hãng đã quảng cáo sai sự thật về chiến dịch bảo vệ môi trường của mình để đánh bóng tên tuổi, khiến khách hàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm “thân thiện môi trường” nhưng trên thực tế lại không phải như vậy.
Vụ bê bối này đã khiến người tiêu dùng phải nhìn nhận lại câu chuyện bảo vệ môi trường, làm “xanh” của các doanh nghiệp trong bối cảnh cân đối giữa lợi nhuận và chi phí.
Thế nhưng trong khi câu chuyện làm “xanh” của nhiều doanh nghiệp hiện nay trở thành chiêu trò quảng cáo, muốn “ăn xổi” để hưởng lợi thì tại Việt Nam, một dự án đã tồn tại suốt 14 năm lại đang âm thầm chứng minh bảo vệ môi trường có thể đem lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp hơn chỉ là một công cụ marketing.
Cách đây 14 năm, khi bảo vệ môi trường vẫn còn là điều xa lạ với nhiều bạn trẻ ở Hà Nội và mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hô hào thì Boovironment, được thành lập bởi hãng thời trang non trẻ Boo, đã ra đời. Tiếp đó dự án “tắt đèn bật ý tưởng” cũng xuất hiện với hàng loạt các hoạt động hàng năm đem lại tiếng vang trong giới trẻ cùng những hành động thật sự vì môi trường.
Vậy tại sao trong thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đặt nặng chi phí thì dự án của Boovironment lại đặt ra tầm nhìn “Kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn là đóng góp cho cộng đồng và truyền cảm hứng để mang lại những thay đổi tích cực trong giới trẻ”? Phải chăng Boovironment nói riêng và hãng thời trang Boo nói chung có quá nhiều tiền để “đốt”?
Hãy cùng nghe CEO Đỗ Việt Anh chia sẻ câu chuyện thật sự đằng sau những nỗ lực suốt 14 năm không ngừng nghỉ bất chấp những lời phản đối và khó khăn trong hành trình làm “xanh”.
CEO Đỗ Việt Anh: Mọi chuyện bắt đầu từ một cửa hàng thời trang nhỏ năm 2003, sau 6 năm thì mình thành lập công ty. Trong khoảng thời gian đó, mình nhận thấy có rất nhiều khách hàng trẻ và nảy ra ý tưởng tại sao mình lại không lan tỏa mối quan tâm về môi trường của bản thân cho mọi người, điều mà rất ít người quan tâm thời điểm đó.
Chính vì vậy từ trước khi dự án “Tắt đèn bật ý tưởng” ra đời vào năm 2009 thì công ty đã thực hiện một số hoạt động nhỏ nhằm hướng tới truyền tải thông tin liên quan đến môi trường, ví dụ như dán áp phích liên quan đến chương trình bảo vệ động vật hoang dã trước cửa kính cửa hàng, thay đổi túi nilon thành túi giấy...
Đến 2009 thì ý tưởng bắt đầu lớn hơn. Dù những hành động nhỏ này cũng vui nhưng cần có tầm ảnh hưởng lớn hơn và đây là lý do dự án “Tắt đèn bật ý tưởng” ra đời, bắt đầu bằng chủ đề cuộc thi sáng tác hình in liên quan đến bảo vệ môi trường trên áo phông.
Việt Anh nghĩ rằng mỗi người mà mặc áo phông in thông điệp chính họ thích thì sẽ lan tỏa dễ hơn đến mọi người xung quanh. Bởi vậy thông điệp này sẽ không chỉ dừng lại ở những người dùng đầu tiên mà sẽ còn tiếp cận được đến nhiều người hơn nữa.
Nếu quay ngược lại 14 năm thì rất ít người nói về những vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Bởi vậy mình thấy tiếng nói của mọi người còn quá nhỏ lẻ và rời rạc dù vẫn có những dự án phi chính phủ (NGO) ở đó. Do đó chúng ta cần có một dự án dài hạn, quy gom lại các ý tưởng với nhau và đặc biệt là phải chân thành, đi từ cái tâm của bản thân.
Ngay từ ban đầu, ý tưởng của dự án đơn giản chỉ là làm cái gì đó có tác động lớn hơn với xã hội, chưa có chiến lược gì và cũng không ngờ rằng sự kiện trì này kéo dài đến được 14 năm. Thế nhưng ngay từ những năm đầu, dự án đã đón nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các tổ chức NGO, quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF)...
Đặc biệt là những bạn thiết kế gửi ý tưởng đến dự án đã tạo động lực rất lớn cho bản thân và để dự án tiếp tục được hoàn thiện và phát triển.
Tầm nhìn của dự án là “Kinh doanh không chỉ tạo ra lợi nhuận”, vậy anh có quan điểm gì về tầm nhìn này?
Mỗi người chủ doanh nghiệp đều có mục tiêu khác nhau khi làm kinh doanh. Hầu hết các ông chủ đều đi từ đam mê hoặc lợi nhuận. Thế nhưng đối với Việt Anh, chuyện kiếm tiền không quan trọng bằng việc để lại di sản cho thế hệ sau.
Chính vì vậy mà giá trị cốt lõi của Boo luôn là phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp làm tốt việc phát triển bền vững, đảm bảo dịch vụ sản phẩm và tạo được ra các giá trị cộng đồng thì đây sẽ là nền tảng cho doanh thu và lợi nhuận tự đến. Rõ ràng một thương hiệu nhận được cảm tình của mọi người, được khách hàng yêu mến thì thương hiệu đó sẽ trường tồn được lâu dài hơn.
Về quy hoạch, hiện Boo đang chia thành 3 mảng là Green Destination (Điểm đến xanh), Green Production (Sản xuất xanh) và Green Office (Văn phòng xanh).
Đầu tiên là Green Destination, đây là điểm chạm để Boo truyền tải thông điệp đến khách hàng và lôi kéo mọi người thông qua các chiến dịch tuyên truyền tại cửa hàng hay những dự án như “tắt đèn bật ý tưởng”.
Tiếp đó là Green Production, đây là phần khó nhất khi phải thay đổi cách thức sản xuất cho xanh hơn. Tuy nhiên đây cũng là phần mà Boo tin rằng có thể đóng góp dấu ấn lớn nhất cho môi trường.
Trong 3 năm trở lại đây, Boo dùng rất nhiều cotton Mỹ, vốn được sản xuất theo quy trình bảo vệ quyền lợi người lao động và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình trồng trọt, đồng thời đây cũng là một trong những dòng cotton chất lượng hàng đầu thế giới.
Ngoài ra Boo đang có kế hoạch dùng cotton tái chế, như từ vỏ chai nhựa hay bã cà phê. Công ty đang làm nghiên cứu và hướng mục tiêu đến 2025, khoảng 80-90% sản phẩm của hãng sẽ là “xanh”.
Cuối cùng là Green Office nhắm đến biến đổi con người của Boo sống xanh hơn từng chút một mỗi ngày.
Trong suốt hành trình 14 năm, con số nào ấn tượng nhất khiến anh có thể tự hào?
Đối với Việt Anh, đó là con số 14. Có thể mọi người sẽ muốn nghe con số khác nhưng đây lại là con số đầy ý nghĩa thể hiện sự kiên định dù tình hình thị trường đã có lúc rất khó khăn.
Ví dụ như những năm đại dịch Covid-19 giãn cách xã hội, “tắt đèn bật ý tưởng” không tổ chức offline được thì tổ chức online. Thế rồi hậu đại dịch mở cửa lại nền kinh tế, dự án “tắt đèn” vẫn kịp tổ chức đúng thời hạn.
Những điều này cần sự nỗ lực rất lớn cũng như niềm tin kiên định của mọi người trong dự án “tắt đèn bật ý tưởng” cũng như bộ phận Boovironment.
Việt Anh nghĩ rằng cái gì mình kiên trì, kiên định thực hiện thì đều có ý nghĩa và đây là lý do con số 14 thực sự quan trọng với bản thân.
Làm “xanh” quan trọng với Boo như thế nào khi trên thế giới hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp dùng “quảng cáo xanh” như một công cụ marketing?
Giai đoạn 5 năm này đã mất tầm 3 năm nên nó có thể kéo dài 7-8 năm. Bởi vậy mục tiêu lớn nhất của Boo hiện tại là giữ được cam kết chuyển biến 80-90% sản phẩm có dấu ấn xanh.
Đối với Việt Anh, việc sản xuất xanh còn quan trọng hơn tất cả các con số bởi việc một doanh nghiệp may mặc có thể tồn tại, có lợi nhuận bằng sản xuất xanh chắc chắn sẽ truyền cảm hứng rất nhiều cho những người khác trên thị trường.
Làm xanh không khó và cũng không phải điều không thể. Thời trang hiện đang là ngành thứ 2 gây ảnh hưởng đến môi trường hiện nay và chúng ta hoàn toàn có thể kéo chúng xuống thứ 3-4 và hơn nữa.
Chính sự truyền tải và góp sức này mới thực sự có ý nghĩa khi không chỉ tự làm bản thân và doanh nghiệp “xanh” hơn là còn truyền cảm hứng cho những công ty khác, cá nhân khác “xanh” hơn.
Để làm được điều này thì Boo còn đang xây dựng cả những hệ thống đo lường xanh. Hiện khách hàng đang ngày một thông thái hơn và có quá nhiều doanh nghiệp đưa ra những chương trình xanh nhưng chỉ hướng đến việc marketing là chính. Những chiến dịch này thường bị gọi là “Greenwashing” và chắc chắn Boo không muốn bị liệt kê vào các doanh nghiệp như vậy mà muốn làm thực sự các quy trình xanh này.
Bên cạnh đó, để thuyết phục được khách hàng thì cần các chỉ số, số liệu đo lường, minh bạch hóa quá trình nhằm chứng minh được sự chân thành và hiệu quả của các chiến dịch.
Thật ra ngay trong công ty cũng có những cuộc tranh luận trái chiều. Ví dụ như năm vừa rồi doanh nghiệp khó khăn, phải cắt giảm nhiều chi phí thì tại sao lại phải tổ chức “tắt đèn bật ý tưởng”?
Rõ ràng việc thực hiện ý tưởng làm xanh này cần sự kiên định rất lớn. May mắn là Việt Anh vẫn đứng đằng sau với vai trò CEO và đối với bản thân thì việc thực hiện Boovironment thật sự có nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên là mong ước tạo ra một thương hiệu xanh của Việt Nam đầy chất lượng và ý nghĩa. Tiếp đó là với Việt Anh, Boovironment là duy nhất và là cốt lõi của công ty. Bởi vậy khi mình vẫn còn ở đây thì dự án vẫn sẽ được duy trì và có chỗ đứng cao.
Nhìn rộng hơn, kinh doanh sẽ là bài toán về doanh thu-chi phí. Nếu mọi người coi làm “xanh” là chi phí thì tất nhiên sẽ coi đó là gánh nặng, nhưng nếu coi đây là điều tất yếu phải làm để công ty có thể phát triển bền vững hơn, trở thành giá trị chứ không phải chi phí nữa thì chắc chắn chủ doanh nghiệp sẽ phải có cái nhìn khác.
Boovironment không chỉ nâng tầm được giá trị công ty, khiến nhân viên tự hào vì được làm trong một tổ chức có ý nghĩa mà còn đang thay đổi nhận thức của nhiều bạn trẻ trong xã hội. Chắc chắn là tiền không bao giờ mua được điều đó, có bao nhiêu lợi nhuận cũng không mua được thứ đó.
Trong giai đoạn khó khăn, Boo có gặp thách thức gì không khi thuyết phục các đối tác của mình cùng đồng hành?
Cũng may mắn Boo là công ty được đầu tư bởi quỹ VIJ (Vietnam Investments Group). Mọi người trong quỹ đều rất tin tưởng vào tầm nhìn của Việt Anh cho Boo nên kể cả những lúc khó khăn nhất, họ vẫn để cho mình được kiên định với những gì đang làm. Đây là một cái may mắn.
Bên cạnh đó, một thách thức nữa là vấn đề mảng điều hành. Doanh nghiệp nào cũng cần nguồn vốn duy trì trong ngắn hạn và việc Boo phải cắt giảm nhiều khoản nhưng lại tiếp tục chi cho dự án làm xanh có thể gây ảnh hưởng đến tiếng nói của Việt Anh với nhân viên.
Nếu không thể nhìn được bài toán ngắn hạn lẫn dài hạn thì mọi người có thể hoài nghi về quyết định của CEO. Như vậy thì chẳng có câu trả lời tốt hơn là kết quả của những quyết định này.
Vậy dự án tắt đèn nói riêng và Boovironment nói chung đem lại cho Boo những cơ hội gì?
Không thể đo lường được.
Thực ra thì 5-7 năm gần đây rất nhiều người đã nói rằng Boo đang có một tài sản mà nhiều doanh nghiệp khác khó có được, đó là Boovironment. Đây là thứ mà rất nhiều thương hiệu bây giờ muốn xây dựng kiểu “ăn xổi” nhưng không thể làm được.
Thương hiệu của Boo đã nhận được cảm tình từ khách hàng, những thế hệ từ 12-13 năm trước đây từng trải qua tuổi thanh xuân cùng Boo. Họ đã trưởng thành, lập gia đình và hiểu được giá trị của Boo không chỉ là chất lượng sản phẩm và cũng không chỉ ở đây để kiếm tiền mà còn đóng góp được nhiều thứ khác nữa cho xã hội.
Những người như vậy sẽ mong muốn mua các sản phẩm như Boo cho con cái của mình hơn. Đây là giá trị vô hình rất khó đo lường được.
Một yếu tố nữa cho thấy cơ hội của Boo là khả năng thu hút nhân tài. Khi Việt Anh phỏng vấn những người đến đây thì hầu như ai cũng biết và nhắc tới Boovironment. Họ quan tâm và nhìn thấy đây là một trong những giá trị mà các bạn muốn tham gia đóng góp.
Thật ra thì kế hoạch gần của Boo là sống sót qua năm 2023 để thật sự bùng nổ năm 2024. Thật sự Việt Anh đang bị “trói chân trói tay” trong 2 năm nay và rất mong muốn truyền tải các thông điệp từ cửa hàng lan rộng hơn nữa.
Boo cũng mong nâng được con số 14 năm của dự án “tắt đèn bật ý tưởng” lên thêm nữa trong bất kể hoàn cảnh nào. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn thì Boo vẫn kỳ vọng dự án tiếp tục phát triển. Người bé làm việc bé mà người có nhiều tiền thì làm việc lớn.
Vậy Boo có nguồn lực gì trong tay để tự tin hoàn thành mục tiêu?
Ở góc độ dự án “tắt đèn bật ý tưởng” thì Boo có nguồn lực rất lớn từ con người. Dự án luôn có rất nhiều những bạn trẻ nhiệt huyết đến tham gia mỗi năm, cống hiến để duy trì tổ chức được “tắt đèn bật ý tưởng” hàng năm.
Cũng chính những bạn trẻ nhiệt huyết này đã tạo động lực cho Boo tiếp tục kiện định với niềm tin vào những gì mình đang làm. Không có tiền thì sẽ làm kiểu không có tiền mà có nhiều tiền thì làm kiểu có nhiều tiền.
Thật ra thì dù không có nguồn lực tài chính dồi dào thì “tắt đèn bật ý tưởng” vẫn sẽ xây dựng được một định dạng chương trình phù hợp. Đây chính là điều khiến dự án vẫn giữ được sự hấp dẫn nhất định của mình suốt 14 năm khi liên tục có sự thay đổi hàng năm.
Việt Anh rất mong có thêm nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành với dự án. Nếu nhìn thấy được ý nghĩa và cơ hội từ “tắt đèn bật ý tưởng” thì tại sao thay vì đứng ngoài vỗ tay lại không cùng tham gia bắt tay.
Xin cảm ơn anh đã có những chia sẻ.