A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Oplus hát A cappella “Đoàn vệ quốc quân” thu hút hàng triệu người nghe

Lấy ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu làm chủ đạo và mở đầu cho dự án âm nhạc cách mạng “#VN1945”, nhóm OPlus mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước qua các hoạt động cộng đồng và sự kiện giao lưu văn hóa mang ý nghĩa lịch sử.

Ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết năm 1945, tên ban đầu là “Đoàn Giải phóng quân”. Bài hát được sáng tác vào năm mà Việt Nam vừa giành được độc lập sau gần một thế kỷ là thuộc địa của Pháp. “Đoàn vệ quốc quân” ra đời như lời thề của thế hệ thanh niên lên đường ra trận: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết không lui…”.

Ca khúc "Đoàn vệ quốc quân" của nhóm OPlus. 

“Khi chọn ca khúc mở đầu cho dự án “#VN1945”, chúng tôi đã thống nhất chọn “Đoàn vệ quốc quân”. Lý do hát A cappella (hát lời không nhạc đệm) bởi qua tìm hiểu, sau sáng tác bài hát, khi đi trên các đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến dừng ở ga Đà Nẵng, đội văn nghệ tuyên truyền Việt Minh (trong đó có tác giả) đã ca vang lên ca từ hừng hực đầy quyết tâm này của những thanh niên đang lên đường cứu nước. Sức lan truyền của ca khúc rất mạnh mẽ theo bước những đoàn quân tỏa ra khắp các mặt trận. Vì thế chúng tôi muốn thể hiện tác phẩm bằng những lời hát chân thật và vang xa niềm tự hào”, ca sĩ Quang Minh, Trưởng nhóm Oplus chia sẻ.

“#VN1945” là dự án âm nhạc cách mạng, được nhóm OPlus với 4 ca sĩ: Quang Minh, Tùng Linh, Tùng Lâm và Đức Tùng thuộc thế hệ 9X mong muốn truyền tải thông điệp nhạc đỏ không chỉ thuộc về quá khứ mà còn đại diện cho lòng yêu nước nồng nàn và bất kỳ thế hệ nào cũng tự hào, hạnh phúc khi nghe.

Ca sĩ Đức Tùng, thành viên của nhóm bày tỏ, nhạc cách mạng vẫn là nguồn cảm hứng sống động cho mọi thế hệ, chứ không chỉ là ký ức của quá khứ. Bằng những bản phối mới, cách hát mang hơi thở thời đại, nhóm hy vọng sẽ đưa dòng nhạc giàu giá trị lịch sử này đến gần hơn với Gen Z, trở thành nhịp cầu nối giữa những người sinh ra trong thời chiến và lớp trẻ lớn lên trong hòa bình.

 Nhóm OPlus mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước qua dự án âm nhạc “#VN1945”.

“Dự án không chỉ dừng lại ở phát hành sản phẩm âm nhạc, OPlus còn ấp ủ nhiều hoạt động cộng đồng và sự kiện văn hóa mang ý nghĩa lịch sử, với mong muốn đưa nhạc đỏ vượt ra khỏi khuôn khổ sân khấu, sống trong đời sống thường nhật. Bằng giọng hát hòa quyện và phong cách trình diễn giàu cảm xúc, nhóm kỳ vọng “#VN1945” sẽ góp phần làm sống lại những giá trị âm nhạc vượt thời gian, chạm tới trái tim người trẻ”, Đức Tùng nói.

Dự án “#VN1945” mở đầu với 5 ca khúc nổi tiếng và quen thuộc với rất nhiều thế hệ khán giả, gồm: “Đoàn Vệ quốc quân”, “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”, “Tình ca”, “Nơi đảo xa”, “Bài ca Hồ Chí Minh”.

Cùng với đó, có hai ca khúc mới do chính nhóm OPlus sáng tác, gồm: “Những chiến binh Lạc Hồng”, “Người là ánh sáng” - ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kết nối của dự án “#VN1945” không chỉ là âm nhạc, mà ngay cả hình thức nhận diện của dự án cũng được thực hiện theo ý tưởng chiếc tem bưu chính - một thời là biểu tượng của đường dây thông tin liên lạc, lấy dấu mốc từ 1945, năm Cách mạng Tháng Tám thành công và cũng là năm khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu cột mốc độc lập tự do đối với đất nước.

“#VN1945” được OPlus xây dựng kết hợp trên tem bưu chính mang theo ký ức dân tộc.

Với ý tưởng đó, dự án “#VN1945” được OPlus xây dựng như một hệ thống bưu chính xuyên thời gian, nơi mỗi ca khúc là một “bưu kiện lịch sử” mang theo ký ức của dân tộc. Khi mở album, khán giả như đang mở một bức thư có dấu bưu ấn từ năm 1945 - một lời nhắn nhủ từ quá khứ gửi đến hiện tại.

Đáng chú ý, chỉ sau thời gian ngắn phát hành dự án trên nền tảng số (ngày 27 đến sáng 28-4), “#VN1945” đã thu hút hàng triệu lượt người xem. Trong đó tác phẩm “Đoàn vệ quốc quân” nhận được nhiều lời khen ngợi cũng như bày tỏ niềm tự hào khi ca khúc vang lên trong những ngày tháng Tư lịch sử này.

Bài, ảnh: HÀ ANH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết