A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kẻ Gám giữ gìn và phát huy tuồng cổ

Nói đến làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành (Yên Thành, Nghệ An), người ta nghĩ ngay đến nghệ thuật truyền thống tuồng cổ. Người nông dân nơi đây ban ngày chăm lo cấy cày, tối đến làm nghệ sĩ hóa thân vào những vai diễn tuồng cổ phục vụ bà con.

Dọc theo con đường bê tông của xã nông thôn mới Xuân Thành, lối dẫn vào làng Kẻ Gám rợp bóng tre xanh. Hình bóng một làng quê thanh bình gắn với người dân Kẻ Gám cần cù, chất phác, nhưng ít ai biết rằng với dáng dấp bề ngoài chân chất, dung dị ấy, họ lại có một tâm hồn lãng mạn, say mê nghệ thuật đến cháy bỏng, nổi bật trong đó là nghệ thuật biểu diễn tuồng cổ. Vì thế mà dù ngày mùa bận rộn gặt hái, nhưng tối đến, nhất là những đêm trăng rằm lại nghe tiếng trống, tiếng nhạc của đội tuồng làm cho không khí trong làng, trong xóm rộn ràng hẳn lên.

Câu lạc bộ Tuồng Kẻ Gám vinh dự nhận Giải thưởng Đào Tấn lần thứ 15. 

Nghệ nhân Lê Khắc Tài (Câu lạc bộ Tuồng Kẻ Gám) cho biết, nghệ thuật tuồng có ở làng lâu lắm rồi. Người có công lập hội tuồng cổ của làng là cụ Hoàng Đình Tao (mất năm 1985), khi bộ môn nghệ thuật tuồng cổ nhập từ Quảng Nam vào đất Nghệ An những năm 1930-1934. Một nét đặc trưng của hội tuồng cổ làng Kẻ Gám là các thế hệ cha con, anh em, dâu rể đều là diễn viên của hội, như gia đình cụ Hoàng Đình Tao, gia đình ông Lê Xuân Duật...

Tuồng cổ làng Kẻ Gám từng có giai đoạn đạt đến đỉnh cao, tiếng tăm lan truyền khắp nơi, nhiều nơi mời đến phục vụ, nhất là các quan lại, nhà giàu có vào dịp mừng lão, khánh thành công trình lớn, hoặc dịp lễ hội. Nhờ vậy, kinh tế của hội ngày càng dư dật để mua sắm các trang phục đẹp, đắt tiền và nhiều loại nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn. Sau thập niên 1940, hội tuồng làng Kẻ Gám đã dựng rạp biểu diễn hằng tháng ở các huyện trong tỉnh. Những vở diễn thời kỳ đầu thường là các tích trong “Tam Quốc diễn nghĩa”; sau này, chủ yếu diễn các vở ca ngợi tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta và về các anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...

“Nở rộ nhất là những năm 1956-1960, các xóm, rồi ngay cả các đội sản xuất cũng tổ chức hội tuồng riêng. Ngoài ra, ở các họ lớn, con cháu cũng thành lập hội tuồng của dòng họ. Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những sân khấu dựng vội bằng tre, nứa, đốt đuốc lên soi đường cho các nhân vật anh hùng trong lịch sử bước ra sân khấu. Trong những đêm tuồng huyền thoại thấm đẫm chất sử thi anh hùng ấy như: “Trưng Trắc-Trưng Nhị”, “Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga”, “Trần Quốc Toản ra quân”... những người nông dân áo vá Kẻ Gám đã “cháy hết mình”, miệt mài biểu diễn ở các mặt trận, phục vụ bộ đội và bà con”, nghệ nhân Lê Khắc Tài kể.

Tuồng cổ Kẻ Gám hiện là trung tâm, là cái nôi nhân mầm hạt giống phong trào tuồng cổ trong vùng. Điều đáng quý là câu lạc bộ đã đào tạo được các thế hệ kế cận. Thành viên cao tuổi nhất hiện 90 tuổi, đồng thời có các thành viên 40-50 tuổi và một số bạn trẻ 17-18 tuổi đam mê hát tuồng cũng tham gia.

Với tâm huyết giữ gìn truyền thống dân tộc, cuối tháng 5-2023, Câu lạc bộ Tuồng Kẻ Gám vinh dự nhận Giải thưởng Đào Tấn lần thứ 15-tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa đất nước trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, do Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.


Tags: tuồng cổ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết