Xây dựng văn hóa rèn luyện thân thể
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, sự nghiệp phát triển thể dục-thể thao (TDTT) trong giai đoạn mới đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành TDTT Việt Nam (27-3-1946 / 27-3-2024), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn PGS, TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để hiểu hơn về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhìn lại chặng đường 78 năm phát triển, ngành TDTT Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?
PGS, TS Đặng Hà Việt: Thực hiện lời dạy “dân cường thì quốc thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 78 năm qua, ngành TDTT Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Đối với thể thao cho mọi người, chúng ta đã phát triển được hệ thống giáo dục thể chất trong trường học, giúp nhiều học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về thể, mỹ, trí, lực.
Tính đến hết năm 2023, cả nước có 36,7% dân số và 27,7% số hộ gia đình rèn luyện thân thể thường xuyên. Số câu lạc bộ TDTT trên cả nước là 60.560; số cộng tác viên TDTT là 67.550 người; tỷ lệ trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất và tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 100%; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội tập luyện TDTT thường xuyên đạt 98,6%...
Mỗi năm, nước ta có hàng chục nghìn cuộc thi đấu thể thao quần chúng và 60 giải chạy có tầm ảnh hưởng. Hệ thống văn bản về quy phạm pháp luật, quản lý nhà nước về TDTT được hoàn thiện, làm cơ sở giúp ngành TDTT phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
PGS, TS Đặng Hà Việt. |
Thể thao thành tích cao có những bước phát triển mạnh mẽ dù trước đây, việc đoạt huy chương ở đấu trường quốc tế rất khó khăn. Sau bước ngoặt xếp số 1 tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 (SEA Games 22), thể thao Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu của khu vực Đông Nam Á. Trong hai kỳ SEA Games 31 và 32 gần nhất, chúng ta đứng đầu khu vực, đạt được những thành tích khích lệ ở các môn Olympic.
PV: Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới chỉ ra rằng, chính sách phát triển kinh tế thể thao, xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ chưa đủ mạnh. Chúng ta cần làm gì để giải quyết thực trạng này?
PGS, TS Đặng Hà Việt: Hợp tác công-tư là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững của ngành TDTT Việt Nam. Điều đầu tiên trong phát triển TDTT là cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu bảo đảm. Khoa học-công nghệ là một trong những yếu tố then chốt nhưng nếu không có hợp tác công-tư hay nguồn vốn từ viện trợ mà chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì chúng ta phải mất nhiều năm mới hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế về thể thao.
Các vận động viên tranh tài Giải marathon Ho Chi Minh City Midnight 2024. Ảnh: LÂM THỎA |
Ngành TDTT của bất kỳ đất nước nào luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách người giàu và người nghèo, để mọi người dân đều có điều kiện tham gia tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, để chơi thể thao, người dân phải đối mặt với vấn nạn tắc đường và ít có thời gian rảnh; trong khi ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào gặp vấn đề về cơ sở vật chất.
Đối với những nơi có điều kiện hơn, chúng ta phải mở ra cơ chế hoạt động, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng nhà nước đầu tư phát triển cơ sở vật chất về TDTT giúp mọi người dân đều có cơ hội tập luyện. Đối với thành phố lớn, cơ sở vật chất đã có nhưng nằm rải rác, không có khu phức hợp và không đi sâu vào từng quận, huyện nên cần có những thay đổi về cơ chế. Việc này, ngành TDTT cũng đã có những tham mưu về xây dựng khu liên hợp thể thao để vừa đẩy mạnh thể thao phong trào trong quần chúng nhân dân vừa phát triển kinh tế thể thao.
PV: Theo đồng chí, làm thế nào để “đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn?
PGS, TS Đặng Hà Việt: Yếu tố quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của người dân và lãnh đạo các cấp chính quyền. Cần sớm cụ thể hóa Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, trong đó tập trung vào nội dung: "Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân đối với phát triển sự nghiệp TDTT; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị".
Chúng ta phải xác định cần thay đổi nhận thức từ cấp lãnh đạo cao nhất địa phương tới từng người dân; phải xác định phát triển TDTT là nhiệm vụ quan trọng cùng với phát triển kinh tế-xã hội. Hình ảnh của ngành TDTT Việt Nam chính là hình ảnh của những vận động viên thành tích cao ở các đấu trường khu vực và quốc tế.
Khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng và Quốc ca vang lên luôn tạo sự khích lệ cộng đồng quan tâm hơn tới thể thao, ý thức hơn trong luyện tập TDTT. Lấy thể thao quần chúng là nòng cốt để phát triển thể thao thành tích cao, đồng thời đầu tư cho thể thao thành tích cao trở thành động lực để mọi tầng lớp nhân dân tham gia rèn luyện thân thể mỗi ngày.
Các đại biểu và nhân dân tham dự Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024. Ảnh: QUÝ LƯỢNG |
PV: Những ngày qua, các địa phương trên cả nước sôi nổi triển khai ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, đồng chí hãy đánh giá vai trò và kết quả của hoạt động này?
PGS, TS Đặng Hà Việt: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân là sự kết hợp giữa tinh thần rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại và ngày chạy Olympic Day Run. Sau 10 năm triển khai, ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân từ hoạt động mang tính chất cổ động, kêu gọi mọi người cùng tham gia, nay đã lan tỏa thành phong trào thường niên, phát triển rộng khắp trong cộng đồng.
Tôi đánh giá đây là hoạt động quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Thông qua sự kiện này, ngành TDTT thực hiện tốt việc kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức rèn luyện sức khỏe để phục vụ Tổ quốc, xây dựng văn hóa rèn luyện thân thể, đẩy lùi những thứ văn hóa độc hại trong xã hội.
Thứ văn hóa rèn luyện thân thể ấy được xây dựng không chỉ bởi cá nhân mà mỗi gia đình, cơ quan, công ty... đã tạo ra sự gắn kết cộng đồng, chia sẻ kiến thức thể thao và chăm sóc sức khỏe.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
“Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư. Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật... trong hoạt động TDTT”, trích Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. |
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)