Thành phố Sơn La bị thiệt hại gần 73 tỷ đồng do mưa lũ
Ngày 25-7, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 22 đến 24-7, tại Sơn La có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây thiệt hại về người, hoa màu, nhà cửa và ngập úng nhiều điểm.
Tính đến 24 giờ ngày 24-7, mưa lũ tại Sơn La đã làm 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương do sạt lở và lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm thiệt hại 389 ngôi nhà, trong đó 28 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; 6 điểm trường tiểu học, trường mầm non bị ngập; 126 điểm giao thông bị sạt lở; hơn 270ha lúa bị ngập và cuốn trôi; hơn 3.465 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...
Đặc biệt, tại địa bàn thành phố Sơn La, mưa lũ đã gây ngập nặng, làm 538 ngôi nhà ở bị sạt lở, ngập úng; hơn 26ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập úng; 207 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi hoặc chết; 38,4ha ao cá bị ảnh hưởng; 555m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 115 xe ô tô, xe máy, xe điện cùng nhiều tài sản khác và 10 tấn gạo bị ngập nước, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính gần 73 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thành phố Sơn La hỗ trợ người dân phường Chiềng Sinh di dời người và tài sản ra khỏi điểm ngập úng. |
Các lực lượng hỗ trợ khắc phục ngập úng tại Trường Mầm non Quyết Thắng, thành phố Sơn La. |
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tỉnh Sơn La đã triển khai công tác khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ"; thành lập nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với các xã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định chỗ ở.
Cùng với đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp huy động lực lượng tập trung, bố trí nhân lực, máy móc thiết bị và lực lượng tại chỗ để khẩn trương đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Các lực lượng căng dây, cắm biển cảnh báo, trực để hướng dẫn người dân đi lại; hót dọn, san gạt các vị trí sụt, sạt, sa bồi và giúp đỡ nhiều hộ gia đình sửa chữa, sớm ổn định cuộc sống.
Theo dự báo, trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn tiếp tục có mưa nhỏ và thời tiết diễn biến phức tạp. Vì vậy người dân cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết, chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông lốc, sét, mưa đá, lũ quét... Các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ ngập lụt cao cần hết sức cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Các địa phương bố trí lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Tin, ảnh: HÀ KHÁNH - XUÂN TRƯỜNG