Tâm tình - Kiến nghị: Đã gắn bó thì ở đâu cũng là Tết
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi tình nguyện nhập ngũ tại Vùng 5 Hải quân, đến tháng 12-1996, tôi được điều động công tác tại đảo Thổ Chu.
Hơn 28 năm gắn bó với hòn đảo tiền tiêu này, tôi và đồng đội đã đón 20 cái Tết xa gia đình. Tôi nhớ như in những ngày mới đặt chân lên đảo, cuộc sống bộ đội vất vả vô cùng, ngày tiếp ngày khuân vác đá, xi măng phục vụ xây dựng công trình. Thời tiết diễn biến thất thường, có lúc 2 tháng tàu mới ra được đảo. Khoảng 15 năm đầu, mọi liên lạc với gia đình đều qua thư tay, có lúc 3 tháng tôi mới nhận được hồi âm từ gia đình. Năm 2002, tôi kết hôn và sau đó sinh được hai con, một trai, một gái.
Bộ đội Trung đoàn 152, Quân khu 9 chăm sóc cảnh quan đơn vị. Ảnh: TRỌNG NGUYÊN |
Cháu trai sinh năm 2004, đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh; cháu gái hiện học lớp 9. Có người hỏi tôi sao không xin về gần vợ con mà ở ngoài đảo lâu thế cho khổ, tôi chỉ trả lời: "Ai cũng suy nghĩ vì mục đích cá nhân như vậy thì thử hỏi còn ai công tác nơi xa, đương đầu với khó khăn, thử thách?".
Mỗi khi Tết đến, xuân sang, xã đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc, Kiên Giang) như khoác áo mới. Những năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây đã ngày càng khởi sắc. Các đơn vị Quân đội cũng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn, cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội chính quy, đầy đủ hơn về mọi mặt. Công nghệ phát triển giúp kéo gần khoảng cách giữa hậu phương và đơn vị, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác. Với tôi, biển, đảo luôn là kỷ niệm đẹp nhất đời quân ngũ. Khi mình đã gắn bó, yêu thương thì ở đâu cũng là Tết. Tôi nhớ nhất Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012, cả đơn vị đang tổ chức liên hoan hái hoa dân chủ thì chỉ huy đơn vị phát hiện một đồng chí gác ôm súng đứng lấp ló gần cửa (vì thấy vui quá) nên tổ chức báo động ra tình huống địch đột nhập.
Cả đơn vị dừng mọi hoạt động, vào vị trí chiến đấu. Sau đó, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, quán triệt tinh thần “vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”. Từ đó về sau, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải đề cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu cao, tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác.
Đại úy QNCN NGUYỄN VĂN SƠN
(nhân viên quản lý Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152, Quân khu 9)